Sau khi thăm một số mô hình sản xuất nông nghiệp và dự lễ khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại nghiên cứu dành 1 gói tín dụng khoảng 100.000 tỷ đồng bằng nguồn huy động của các ngân hàng thương mại để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp, các dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch với điều kiện ưu đãi hơn so với các khoản cho vay thông thường.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; có chính sách tín dụng trung hạn cho đầu tư nông nghiệp (hiện nay các công ty phải vay với lãi suất trên 9,5% và không cố định mà điều chỉnh thả nổi từng tháng).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, nghiên cứu hướng dẫn bộ thủ tục mẫu thật gọn nhẹ, thuận lợi về giao dịch vốn đối với các dự án nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đất đai nhằm tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung cơ chế sử dụng đất trong quá trình tích tụ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (xong trong tháng 3/2017) cho phù hợp với quá trình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp.
Theo đó, cần có các chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp một cách cụ thể và thiết thực đặc biệt chính sách hỗ trợ về tích tụ đất đai như hỗ trợ tiền thuê đất của dân, kinh phí chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao…