Mở cửa hàng áo cưới cần chuẩn bị những gì?

0
27655

Nếu bạn đang có ý định khởi nghiệp kinh doanh thì mở cửa hàng áo cưới là một ý tưởng không tồi, rất có tiềm năng phát triển, nhất là giai đoạn cuối năm cũng là mùa cưới truyền thống.

Dưới đây là những việc mà bạn cần chuẩn bị khi muốn mở một cửa hàng áo cưới để kinh doanh khởi nghiệp.

Nghiên cứu thị trường

Trước khi kinh doanh bạn phải xem xét thị trường và đối tượng khách hàng tại khu vực để có thể chọn quy mô, chọn xu hướng cũng như phương hướng phát triển cửa hàng phù hợp để thu hồi vốn và đầu tư thêm cái khác. Xem xét những trang thiết bị cần mua sắm cần mua ngay và cái có thể sắm về sau để phù hợp với chi phí vốn ban đầu.

Áo cưới cũng là một danh mục của thời trang, vì thế sự thay đổi của nó cũng theo từng năm, từng thời kỳ và từng vùng có tập tục khác nhau. Bởi vậy để nắm bắt được tình hình, việc khảo sát là rất cần thiết.

Về mức sống dân cư xung quanh, mặt bằng dân trí, nếu nơi bạn đặt cửa hàng chủ yếu có những người thu nhập cao thì họ sẽ không thích các loại áo cưới giá rẻ, và ngược lại…

Chuẩn bị vốn

Vốn để mở 1 cửa hàng áo cưới không ít, thông thường một tiệm áo cưới nhỏ ở ngoại tỉnh cần ít nhất là 100 triệu đồng trở lên, nếu có nhiều dịch vụ và làm quy mô lớn thì sẽ cần đầu tư vốn cao hơn, từ 200 triệu trở lên.

Vốn để bạn mua sắm một số vật dụng cơ bản của tiệm như: Bảng hiệu đẹp (khoảng 15-20 triệu); Body máy ảnh + Len (khoảng 20 – 25 triệu, có thể cao hơn nếu bạn có điều kiện); Phòng chụp có Phông nền – đèn hắt sáng (Khoảng 10 triệu); 1 Bộ máy tính cấu hình tương đối 1 chút (Khoảng 7 – 10 triệu), trang phục, áo dài, áo cưới, vest, đồ dạ hội (khoảng 20 – 50 triệu, tùy nguồn hàng bạn chọn); Chi phí quảng cáo và đóng tủ đựng đồ – váy cưới (khoảng 20- 30 triệu). Những thứ linh tinh nữa khoảng 10 triệu.

Ngoài ra bạn cần có tiền vốn dự phòng cho 3 tháng hoạt động chưa có lãi ban đầu cũng như tiền thuê mặt bằng, địa điểm kinh doanh (tùy thỏa thuận theo 3 tháng, 6 tháng hoặc năm một)…

Mặt bằng

Để kinh doanh măt hàng này, càng ở nơi đông người qua lại như mặt đường lớn, giao thông đông đúc sẽ càng dễ thu hút khách hàng hơn.

Bạn nên chọn những khu có đặc điểm dân cư trẻ, độ tuổi từ 20 đến 30, tập trung nhiều đối tượng mục tiêu của bạn, giao thông thuận tiện, đường rộng, có chỗ để xe, ô tô đỗ được trước cửa hàng càng tốt…

Bạn cần chú ý là trang trí cửa hàng sao cho thật bắt mắt vì đã là thứ liên quan đến đám cưới thì đều phải rực rỡ thì mới gây ấn tượng. Cửa hàng của bạn càng đẹp thì chứng tỏ thẩm mỹ của bạn càng cao, khách hàng sẽ càng tin tưởng hơn.

Để trang trí studio, nơi để cô dâu chú rể chụp ảnh cưới, bạn nên chuẩn bị sẵn nhiều “khung cảnh” khác nhau để đáp ứng sở thích của khách hàng. Không gian trong studio không nên quá nhỏ, ảnh hưởng đến quá trình thợ ảnh tác nghiệp.

Không gian cửa hàng áo cưới mang nét đặc trưng riêng
Không gian cửa hàng áo cưới mang nét đặc trưng riêng

Trang thiết bị cho cửa hàng

Mặc dù là kinh doanh áo cưới nhưng đa phần các cửa hàng tại nước ta đều chọn hình thức cho thuê váy áo và những dịch vụ đi kèm như chụp ảnh, trang điểm… Chính vì vậy mà việc sắm sửa trang thiết bị là rất quan trọng.

Bạn phải một số thiết bị phục vụ cho quá trình chụp ảnh như máy ảnh chuyên nghiệp, Canon và Nikon là được ưa chuộng hơn cả. Ngoài ra bạn cũng nên chọn những mẫu ống kính có tiêu cự phù hợp để chất lượng ảnh tốt nhất.

Hệ thống chiếu sáng trong studio cần phải đặc biệt quan tâm, vì ánh sáng đạt chuẩn thì ảnh mới không bị tối hoặc loá. Bạn nên sắm từ 2 đến 3 cây đèn cùng thiết bị phản quang để đảm bảo có được lượng ánh sáng vừa đủ.

Sau đó là máy in hoặc máy rửa ảnh, để ảnh không bị nhoè thì bạn nên chọn những loại máy của hãng lớn, mặc dù giá hơi cao nhưng đảm bảo hơn.

Ngoài những thiết bị chuyên dụng này thì những giá đỡ, móc treo quần áo, ma-nơ-canh… cũng sẽ tốn của bạn một khoản đầu tư kha khá, nếu muốn tiết kiệm thì nên mua lại của những cửa hàng áo cưới thanh lý rồi sắm thêm bổ sung sau.

Bên cạnh đó cũng đừng quên bộ trang điểm, trang sức cho cô dâu, tuỳ vào đối tượng bạn hướng đến mà chọn những sản phẩm phù hợp và trong khả năng tài chính cho phép.

Nhập hàng

Nếu muốn nhanh gọn thì bạn có thể đặt mua mẫu váy cưới từ các chợ đầu mối, các cửa hiệu lớn, những thương hiệu nổi tiếng hoặc liên hệ với những xưởng may trên thị trường. Tại Hà Nội có một số xưởng như A-Z Bridal, Lekchi… còn ở Sài Gòn thì bạn có thể đến chợ Tân Bình để tìm mua.

Tuy nhiên, nếu muốn xây dựng thương hiệu riêng thì bạn nên thiết kế những mẫu váy khác biệt, giá cả có thể đắt hơn một chút nhưng sẽ đảm bảo tên tuổi cho bạn.

Nên có nhiều váy 1 chút để khách hàng có nhiều lựa chọn. Nếu vốn của bạn không nhiều thì có thể vào mua lại những váy đã qua sử dụng của các studio khác sẽ tiết kiệm được khá nhiều.

Ngoài các mẫu váy cưới, comple chính thì bạn cũng nên chuẩn bị những bộ áo dài truyền thống, đầm dạ hội, váy cưới ngắn nhí nhảnh… vừa phục vụ chụp ảnh vừa cho khách hàng thuê để thay đổi. Khi chọn vest chọn size 46, 48, 50 là dễ cho thuê nhất.

Nhân viên

Mở cửa hàng áo cưới không thể thiếu nhân viên, một mình bạn không thể làm được. Ít nhất bạn cần thuê 1 thợ chụp chuyên nghiệp, 1 người trang điểm đẹp, 1 thợ photoshop có kinh nghiệm, nhân viên trông xe.

Để tiết kiệm thì bạn có thể học rồi đảm nhiệm một trong số những vị trí chính. Quá trình tuyển chọn phải được thực hiện thật kĩ lưỡng vì những công việc này đều liên quan đến làm đẹp nên ngoài tay nghề chuyên môn thì nhân viên còn phải có khiếu thẩm mỹ tốt.

Nhiều cửa hàng hiện nay hoạt động theo kiểu mở tiệm nhưng thuê nhiếp ảnh bên ngoài chụp, bạn có thể học hỏi, tuy nhiên sẽ không ổn định khi có thợ chụp ảnh riêng của cửa hàng.

Kinh doanh cửa hàng áo cưới cần số vốn khá lớn
Kinh doanh cửa hàng áo cưới cần số vốn khá lớn

Chuẩn bị phụ kiện

Ngoài những thiết bị hỗ trợ chụp ảnh thì các phụ kiện trang trí cũng rất cần thiết, ví dụ như giỏ hoa, mũ, khăn… hoặc một số dụng cụ hỗ trợ chụp ngoại cảnh như xe đạp, xích lô, xích đu… Bạn có thể mua một số món đơn giản hoặc đặt làm những thứ phức tạp hơn, miễn sao có những phụ kiện độc đáo cho khách hàng.

Album ảnh tham khảo là thứ không thể thiếu trong cửa hàng của bạn, nó sẽ là yếu tố quyết định đến 50% tỷ lệ khách hàng có muốn sử dụng dịch vụ của bạn hay không. Thời gian đầu bạn có thể “mượn tạm” những bức ảnh mẫu của nơi khác, nhưng sau khi đã làm được vài dự án thì hãy sử dụng ảnh của mình để chân thực hơn.

Quảng cáo

Quảng cáo cửa hàng, tạo thương hiệu cho cửa hàng của mình là điều quan trọng để nhiều người biết đến bạn hơn và kéo thêm nhiều khách hàng mới.

Bạn nên thu hút khách bằng bảng biển hoành tráng trước cửa hàng, từ xa có thể nhìn thấy cửa hàng của bạn được, nên chọn tông màu nổi bật như đỏ và trắng làm màu chủ đạo cho cửa hàng.

Ngoài những phương thức quảng cáo truyền thống như phát tờ rơi, treo băng rôn, đăng tin trên báo đài… thì bạn nên tận dụng mạng Internet để tiếp thị. Bạn có thể thiết kế một website để đăng album ảnh và những chương trình khuyến mãi của mình nhằm thu hút khách hàng. Sau đó tận dụng các mối quan hệ trên mạng xã hội để lan truyền thông tin.

Ngoài chụp ảnh cưới bạn có thể kinh doanh thêm: chụp ảnh thẻ, chụp ảnh nghệ thuật, chụp ảnh em bé… để có nhiều khách hàng hơn.

Mở cửa hàng áo cưới là loại hình kinh doanh đa dịch vụ, bao gồm cho thuê trang phục, chụp ảnh, trang điểm, vì vậy khâu chuẩn bị bạn phải làm thật cẩn thận để làm hài lòng mọi khách hàng.

Mở cửa hàng áo cưới cần chuẩn bị những gì?
1 (20%) 1 vote

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here