Muốn mở lò bánh mì cần chuẩn bị những gì?

0
3607

Với số vốn đầu tư không quá cao, thời gian thu hồi vốn nhanh chóng, loại hình kinh doanh mở lò bánh mì đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn để khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, bánh mì là món ăn nhanh được nhiều người ưa chuộng và phổ thông, dễ bán, dễ đổ buôn cho những hàng bánh mì kẹp. Vì thế lợi nhuận mà món bánh này đem lại cũng không nhỏ.

Để mở 1 lò bánh mì, bạn có thể tham khảo những bước dưới đây.

1. Tìm hiểu, học làm bánh

Để mở lò bánh mì, bạn bắt buộc phải am hiểu và biết cách làm sao để có chiếc bánh mì giòn và thơm ngon nhất, tỷ lệ trộn bột, bí quyết “nhà nghề” ra sao…

Bánh mì là loại bánh rất khó làm, đa dạng chủng loại và cần một công thức thật chuẩn xác mới tạo ra một chiếc bánh thơm ngon nhất. Nếu tự học tại nhà, bạn sẽ phải mất khá nhiều thời gian nghiên cứu, định lượng nguyên liệu và dễ thất bại bởi công thức và những chia sẻ trên internet đã bị nhào nặn, biến tấu. Bạn nên tìm đến một địa chỉ dạy làm bánh mì với một khóa học làm bánh mì chuyên nghiệp hoặc một thợ làm bánh thật uy tín để theo học.

Việc tham gia một khóa học làm bánh cơ bản sẽ giúp bạn dễ quản lý lò bánh cũng như có thể tự tay làm bánh, giảm chi phí thuê nhân công.

Bạn nên chú tâm học hỏi, sáng tạo ra nhiều loại bánh đa dạng phong phú, độc lạ để “làm vốn” sau này kinh doanh được hút khách hơn.

2. Nghiên cứu thị trường và  khách hàng

Trước khi kinh doanh mở lò bánh mì, bạn nên xem xung quanh khu vực mình sống có lò bánh mì nào chưa, họ làm những loại bánh nào, giá cả ra sao, sức mua tốt hay không… để chọn hướng đi cho mình.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên xem nhu cầu của khách hàng ở khu vực đó, có phải khu đông dân cư không, có nhiều hàng bánh mì ăn sáng, ăn đêm có nhu cầu bỏ mối không?… Nếu nhu cầu lớn thì khả năng lò bánh mì hiệu quả sẽ cao hơn.

3. Số vốn đầu tư ban đầu

Số vốn mà bạn cần đầu tư cho một hệ thống máy móc thông thường khoảng 40 – 100 triệu đồng cho một dây chuyền thiết bị cần thiết nho nhỏ tại nhà.

Mới ra nghề bạn chỉ cần mở lò bánh mì quy mô vừa và nhỏ, chi phí để sắm nguyên bộ máy làm bánh mì khoảng 100 triệu đồng, bao gồm các máy: máy trộn bột, máy chia bột, máy se bột, tủ ủ bột và lò nướng bánh.

Nếu như vốn ít khoảng 40 -60 triệu đồng thì bạn chỉ cần sắm 3 loại máy là máy trộn bột, tủ ủ và lò nướng.

Ngoài ra cần tiền đầu tư cho thuê mặt bằng, mua nguyên liệu cũng như các chi phí khác khi mở cửa hàng, dự trù thêm cả 3 tháng hoạt động ban đầu khi chưa có lãi…

4. Chọn loại hình kinh doanh bánh mì

Khi quyết định kinh doanh, bạn cũng phải lưu ý chọn loại hình kinh doanh bánh mì để cân đối mua máy móc, thiết bị

Nếu mở tiệm bánh chuyên nghiệp với đầy đủ các loại bánh thì bạn nên mua trọn bộ, còn mở lò bánh mì lạt bỏ mối hoặc để bán bánh kem thì có thể mua 3 loại máy chính là được.

5. Lựa chọn địa điểm kinh doanh

Để chọn được địa điểm kinh doanh lò bánh mì “ăn nên làm ra”, bạn nên chọn những khu vực đông đúc như gần trường học, ký túc xá, gần các khu công nghiệp, các dãy phòng trọ cũng như số lượng lò bánh mì ở khu vực đó càng ít càng tốt.

Ngoài ra cũng nên lưu ý thuận lợi giao thông, đường xá cũng như có chỗ để xe cho khách hàng đến mua, các yếu tố điện, nước, không gian thoáng mát, sạch sẽ phù hợp khi kinh doanh thực phẩm.

Mở lò bánh mì là hướng đi được nhiều người lựa chọn
Mở lò bánh mì là hướng đi được nhiều người lựa chọn

6. Tìm nhà cung cấp nguyên liệu, thiết bị

Khi mở lò bánh mì, bạn phải quan tâm đến việc lựa chọn đối tác đặt mua thiết bị lò nướng bánh, nên chọn nơi uy tín cung cấp máy móc, thiết bị, giá thành phải chăng và phù hợp, lưu ý chế độ bảo hành, chăm sóc khách hàng của hãng.

Ngoài việc đầu tư máy móc, dụng cụ thì việc tìm kiếm địa chỉ cung cấp nguyên liệu an toàn, uy tín và giá cả phải chăng cũng là yếu tố quan trọng mà bạn cần lưu ý khi mở lò bánh mì.

Trong thời buổi điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm đang được đặt lên hàng đầu như hiện nay thì tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia làm bánh, các tiệm bánh mì uy tín để tìm nơi bán nguyên liệu chất lượng và an toàn để hợp tác và bỏ mối lâu dài.

7. Đăng ký kinh doanh

Để kinh doanh lò bánh mì suôn sẻ, bạn cần phải hoàn tất thủ tục, giấy tờ đăng ký kinh doanh tại địa phương nơi đặt lò bánh. Bạn nên tìm hiểu và hỏi kỹ cả giấy tờ an toàn thực phẩm với ngành nghề kinh doanh đặc thù.

8. Định mức giá bán và quảng cáo ra thị trường

Bạn nên xem xét mức giá phù hợp sau khi tính đầu vào nguyên liệu, khấu hao thiết bị, công làm và tham khảo thêm giá các lò bánh mì xung quanh… Giá nên phải chăng, phù hợp với số đông để dễ bán hơn. Với các mối buôn thì giá thấp hơn.

Để nhiều người biết đến lò bánh mì của mình bạn có thể phát tờ rơi, nhờ người thân quảng cáo, tạo gian hàng trên Facebook, Instagram, Zalo, các diễn đàn, group bán hàng lớn… Tăng cường hình ảnh ngon và bắt mắt, các hình thức khuyến mãi thú vị, giao hàng… để có thêm nhiều khách hàng.

Muốn mở lò bánh mì cần chuẩn bị những gì?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here