10 chia sẻ để đời của tỷ phú Tadashi Yanai – nhà sáng lập Uniqlo

1
2427

Theo tính toán của Forbes năm 2015, ông Tadashi là người giàu nhất nước Nhật với tổng tài sản 24 tỷ USD. Ông đồng thời được coi là 1 trong 100 người có sức ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Ông đã xây dựng nên đế chế Uniqlo bằng cách luôn làm “khác người” với một tầm nhìn đầy táo bạo và cải tiến.

Tadashi Yanai sinh ngày 7/2//1949. Sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1971 với tấm bằng cử nhân kinh tế và chính trị, ông thử sức trong lĩnh vực kinh doanh.

Máu kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực quần áo đã ngấm vào ông từ lâu, do bố mẹ ông mở một cửa hàng quần áo nhỏ. Đến năm 1984, ông mở cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Hiroshima. Cái tên Uniqlo mang ý nghĩa “unique clothing”, ngụ ý cửa hàng bán những sản phẩm quần áo độc nhất.

Chỉ trong vòng 10 năm sau đó ông đã có khoảng 100 cửa hàng Uniqlo trên khắp Nhật Bản. Ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp, ông đã thề sẽ biến chuỗi cửa hàng này thành nhà bán lẻ hàng đầu thế giới.

Đến tháng 12/2008, Yanai đã có gần 840 cửa hàng Uniqlo trên toàn thế giới. Trong đó, số lượng cửa hàng ở nước ngoài là khoảng 70, trải dài từ New York đến Paris, Hong Kong, Singapore, Thượng Hải.

Trong năm 2009, ông mở được thêm khoảng 30 cửa hàng bên ngoài biên giới Nhật Bản.

Trong suy thoái, chuỗi cửa hàng Fast Retailing vẫn làm ăn phát đạt nhờ phương châm giá rẻ với giá cổ phiếu tăng 43% giá trị trong năm vừa rồi. Để cắt giảm chi phí, ông đi thuê các nhà sản xuất bên ngoài từ Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia và Bangladesh.

Sản phẩm may mặc của Fast Retailing rất được ưa chuộng tại Nhật. Mấu chốt của sự thành công này chính là ở chỗ ông đã chuyển nguồn lực sản xuất của Fast-Retailing ra nước ngoài, 90% nằm tại 60 công ty ở Trung Quốc và quản lý tổng cộng 85 nhà máy. Mỗi cơ sở gia công của ông có khoảng 1.000 công nhân viên và chỉ sản xuất một loại quần áo nhất định, nên chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm.

Không chỉ thống lĩnh thị trường Nhật Bản, Yanai tự tin vào một ngày không xa, nhãn hiệu Uniqlo của ông sẽ có mặt trong các gia đình châu Âu, châu Mỹ, tương tự như Gap hay Marks &Spencer, những nhà bán lẻ quần áo lớn nhất thế giới hiện nay.

Tuy trên ở đỉnh cao của danh vọng và tiền bạc nhưng ông lại rất khiêm tốn khi chia sẻ về sự trải nghiệm của mình: “Trông tôi thành công như thế này nhưng thực ra cũng đã nhiều lần thất bại. Mọi người thường trầm trọng hóa các sai lầm nhưng bạn nên nhìn nhận thất bại theo một cách tích cực và tự tin rằng mình sẽ thành công trong lần tiếp theo”.

Tỷ phú Tadashi Yanai
Tỷ phú Tadashi Yanai

Bên cạnh câu nói về sự khiêm nhường ấy, những phát ngôn để đời của ông vẫn là những bài học kinh doanh hữu ích:

1. Tôn chỉ của Yanai là “luôn mang đến những mẫu quần áo mặc thường ngày hợp mốt, chất lượng cao mà bất cứ ai cũng đều có thể mặc và có thể mặc ở bất cứ đâu tại bất cứ nơi nào với giá bán thấp nhất có thể”.

2. Hỏi Tadashi Yanai rằng tại sao luôn phải quan tâm đến vị trí số một, ông đáp: “Tại sao lại không nhỉ? Nếu bạn đặt ra cái đích đó, mọi người sẽ phải nghĩ cách làm thế nào để đạt được”.

3. “Tôi chưa bao giờ thỏa mãn với bất cứ thành quả nào bởi vì thế giới này luôn luôn chuyển động. Giống như khi bạn leo núi vậy. Khi lên đến đỉnh, bạn sẽ thấy ngọn núi khác cao hơn nữa. Một ngày nào đó tôi sẽ qua đời, đó là quy luật cuộc sống. Nhưng tôi là người đang leo núi”.

4. “Nếu sống chết vì lợi nhuận, bạn sẽ thất bại”.

5. “Người Mỹ cho rằng cotton là tốt nhất, tôi sẽ phát minh ra loại vải tốt hơn thế, nó sẽ thay đổi cách tiêu dùng và mặc quần áo của cả nước Mỹ.”

6. “Tôi luôn nói với nhân viên của mình rằng, khi chúng ta tiếp cận một thị trường mới, sẽ có 3 câu hỏi chúng ta phải đối diện. Thứ nhất, bạn là ai và bạn đến từ đâu? Thứ hai, bạn mong muốn điều gì ở đất nước chúng tôi? (Nếu mục đích của bạn chỉ là kiếm tiền, mà không học hỏi, bạn sẽ không được người ta tôn trọng). Thứ ba, bạn sẽ có đóng góp tích cực nào cho thế giới này?”

7. Khi được hỏi lý do tại sao các cửa hàng ở châu Á thành công hơn các cửa hàng ở châu Âu: “Một phần bởi vì các đất nước ở châu Á gần Nhật Bản hơn. Chúng ta có chung văn hóa Nho Giáo và đồng thời kích cỡ cơ thể ở đây giống với người Nhật hơn. Người da trắng thì vừa to vừa tròn. Tay họ to lắm bạn biết rồi đấy”.

8. “Không có gì đáng xấu hổ khi thất bại cả. Nếu ai đó thành công trong một mảng kinh doanh, tất cả mọi người sẽ bắt chước và làm theo. Nhưng rất nhiều người trong số đó thất bại. Và họ thường sẽ bỏ cuộc khi thất bại. Nhưng đừng bỏ cuộc. Bạn phải tự thúc đẩy bản thân bắt đầu một lần nữa và một lần nữa và bạn phải tìm được lí do mình thất bại. Bạn phải phân tích được bạn cần làm gì khác đi để có thể thành công ở lần thử tiếp theo.”

9. “Rất nhiều doanh nghiệp thích sự ổn định hơn là thử thách. Kể cả khi bạn nói chuyện với sinh viên vừa tốt nghiệp, họ đều muốn làm việc cho những tập đoàn lớn mạnh bởi vì họ muốn tìm kiếm sự ổn định, nhưng tôi không tin rằng những tập đoàn to đó lúc nào cũng là sự lựa chọn an toàn.”

10. “Nếu chọn một người nào giống tôi, công ty này sẽ thất bại trong thế hệ tiếp theo. Tôi là một nhà độc tài. Tôi là người sở hữu doanh nghiệp này. Tôi là chủ tịch, tổng giám đốc, là mọi thứ. Điểm mạnh của tôi, dù bạn có đồng ý hay không, đó là tôi có khả năng nhìn lại bản thân mình một cách khách quan theo góc nhìn của một bên thứ ba. Và kể cả khi bạn có được những điều này, bạn sẽ vẫn phải đối mặt với rủi ro thất bại.

Tuy thế đây không phải là hình mẫu mà những nhà lãnh đạo tương lai nên làm theo. Vì vậy nhiệm vụ của tôi hiện giờ là hình thành nên một mô hình lãnh đạo cho nhiều nhà lãnh đạo tương lai và trao quyền điều hành cho giới trẻ – đó là tầm nhìn của tôi.” – Khi được hỏi về cách chọn người kế thừa.

10 chia sẻ để đời của tỷ phú Tadashi Yanai – nhà sáng lập Uniqlo
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here