6 lời khuyên khởi nghiệp “phi lý” của các CEO Việt

0
998

Thoạt nghe có vẻ phi lý và “gây sốc” nhưng những lời khuyên mới của các CEO Việt dưới đây lại phù hợp trong một thế giới đã chuyển mình quá nhanh, giúp các startup sải bước thành công, vươn ra tầm thế giới.

1. Đừng khởi nghiệp bằng đam mê

Đam mê là tốt nhưng khi chỉ chăm chăm mang những gì mình yêu thích và có sở trường nhất để khởi nghiệp mà không quan tâm đến nhu cầu thị trường lại là sai lầm.

Lời khuyên của ông Trần Đức Huy – Tổng giám đốc của Công ty Công nghiệp Vĩnh Tường là hãy khởi nghiệp bằng nguyên tắc giá trị, luôn tự hỏi rằng sản phẩm/dịch vụ của mình mang đến giá trị gì đáng để người khác bỏ tiền mua.

“Bạn có thể nói với khách hàng về ước mơ đẹp đẽ của mình nhưng cuối cùng khách hàng cũng sẽ hỏi giá trị mà anh mang lại cho tôi là gì khi tôi mua sản phẩm đó”.

2. Nhanh và mạo hiểm còn hơn chậm mà chắc

Có rất nhiều người muốn khởi nghiệp chậm mà chắc nhưng không ít các CEO đang lãnh đạo doanh nghiệp Việt thành công cho rằng, đây là thời điểm của khởi nghiệp “tốc độ”.

Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Thế giới di động là người ủng hộ trường phái tốc độ, làm nhanh với tâm thế sẵn sàng đối diện với sai lầm để sớm rút ra kinh nghiệm.

“Chúng ta đang trong một thế giới không còn là cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh nuốt cá chậm. Thành công của Nokia trong quá khứ không đảm bảo cho tương lai của họ. Và các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng vậy, họ ban đầu nhỏ bé nhưng nhanh nhạy thì họ sẽ trở thành những gã khổng lồ rất nhanh”.

3. Phải thấy mình không ổn

Việc “thấy mình không ổn” là điều không chỉ doanh nghiệp mới mà cả doanh nghiệp lâu năm cũng phải nhận ra, nhất là trong bối cảnh thói quen, nhu cầu, sở thích của người tiêu dùng chuyển hướng ngày một nhanh hơn. Do đó, các doanh nghiệp phải đoán trước và chuẩn bị cho những cái chưa xảy ra để không trở thành “người của quá khứ”.

Nếu các bạn thấy có nhiều cái khác để làm thì đó là chúng ta đang thay đổi, dịch chuyển về tương lai. Còn nếu các bạn chỉ thấy mọi thứ đã ổn rồi, cứ việc như thế mà làm thì đó chính là sự rủi ro. Và làm sao để đón đầu được những xu hướng mới thì đó chính là công việc của CEO.

4. Nghĩ quốc tế, làm quốc gia

Nhiều người khởi nghiệp thường băn khoăn rằng nên phát triển một sản phẩm/dịch vụ có thể tiếp cận thị trường toàn cầu ngay hay đi vào một thị trường phục vụ cho cộng đồng địa phương.

Theo một số CEO như ông Đinh Viết Hùng – Tổng giám đốc JoomlArt DesignBold; ông Lê Đắc Lâm – Tổng giám đốc VNTRIP; ông Hứa Cao Trí – Tổng giám đốc Công ty thực phẩm gia đình ANCO thì các startup nên có tầm nhìn thị trường thế giới ngay từ đầu.

Tuy nhiên, khi bắt tay khởi sự thì hãy tập trung cho thị trường nội địa trước, phải chiến thắng được thị trường nội địa để có bàn đạp vững chắc tiến ra quốc tế.

5. Tiền không phải là mấu chốt

Nhiều startup Việt hiện vẫn đặt nặng vấn đề gọi vốn ngay từ lúc chỉ mới có ý tưởng. Trong khi đó, không ít startup của các thế hệ trước lại thành công bằng cách đi những bước nhỏ với vốn tự thân, ít hỏi và hạn hẹp.

Do đó, theo nhiều CEO, vốn không phải là yếu tố quyết định ban đầu để startup thành công. Nếu dự án thật sự hiệu quả thì các nhà đầu tư sẽ tự tìm đến chứ không cần phải chạy vạy đi gọi vốn.

Ngoài ra, trong bối cảnh eo hẹp tài chính buổi đầu, các startup cũng thường lo ngại mình không đủ khả năng chi trả để tuyển được nhân sự giỏi.

Đối với startup, khi tuyển người, đừng dùng tư duy trả công phù hợp với năng lực. Rất nhiều nơi có thể đề xuất một chỗ làm tốt cho người lao động giỏi. Nhưng lại ít nơi đề xuất một tương lai tốt cho họ. Bạn phải dùng tương lai để thu hút nhân tài. Tương lai chính là công ty sẽ có triển vọng phát triển thế nào để mang lại lợi ích dài hạn cho họ.

6. Phải đặt hạnh phúc trước khi thành công

Nhiều người Việt quan niệm chăm chỉ làm việc, có thành công thì sẽ hạnh phúc nhưng sự thật là không phải cứ thành công thì chắc chắn có hạnh phúc. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu hạnh phúc trước thì xác suất thành công sẽ cao hơn bởi khi con người  làm việc trong trạng thái hạnh phúc thì sẽ đạt hiệu quả tốt hơn do họ ít stress hơn và sáng tạo hơn.

Vì vậy, nhiều CEO khuyên giới trẻ thay đổi công thức tư duy khi khởi nghiệp, chuyển từ “chăm chỉ – thành công – hạnh phúc” sang “chăm chỉ – hạnh phúc – thành công.”

Hạnh phúc ở đây, theo nhiều ý kiến là khả năng cân bằng giữa công việc và các yếu tố còn lại của con người như: các mối quan hệ, sức khỏe, tri thức…

6 lời khuyên khởi nghiệp “phi lý” của các CEO Việt
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here