Startup Việt cần được đào tạo về quản trị doanh nghiệp

1
1042

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc FPT cho rằng, startup Việt cần được đào tạo về quản trị doanh nghiệp và về ngoại ngữ.

Tại buổi làm việc giữa một số đơn vị chức năng của Bộ TT&TT với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam do Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chủ trì ngày 27/5/2016, ông Bùi Quang Ngọc Tổng giám đốc FPT cho biết, năm 2016 đã được chọn là năm quốc gia khởi nghiệp và thực sự là thanh niên Việt Nam được đánh giá rất cao về tinh thần khởi nghiệp. “Tuy nhiên, từ tinh thần để ra sản phẩm là một nấc. Có sản phẩm rồi, thương mại hóa được hay không lại là một nấc nữa. Để ra được sản phẩm cuối cùng, có tới mấy nấc”, ông Ngọc nói.

Khẳng định các doanh nghiệp nhỏ có thế mạnh trong lĩnh vực khởi nghiệp, vị CEO này cũng chia sẻ, đối với khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và cả các doanh nghiệp lớn như FPT không mạnh. FPT đã chuyển sang hướng thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Hiện nay, mỗi năm FPT bỏ ra khoảng 2 triệu USD vào Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, tham gia cùng các Quỹ khác thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp để sao cho có được sản phẩm mới và nấc cao hơn nữa là thương mại hóa được sản phẩm đó.

Cho rằng khởi nghiệp cũng là một loại thời cơ, ông Ngọc nhận định: “Ưu thế của Việt Nam là thanh niên đông và các em tiếp thu công nghệ rất nhanh, có nhiều ý tưởng kinh doanh. Nhưng những yếu tố này vẫn chưa đủ, mà còn cần phải làm sao để các em có tri thức về công nghệ, ngoại ngữ và cả về quản trị công ty. Đặc biệt, khi chúng ta tham gia vào nền kinh tế số của thế giới – một nền kinh tế không giới hạn biên giới, thì việc đào tạo ngoại ngữ và quản trị công ty, bên cạnh đào tạo công nghệ lại càng cần thiết”.

Riêng về công nghệ, theo ông Ngọc, hiện nay ngành GD&ĐT Việt Nam đang có những lạc hậu nhất định về chương trình, chưa cập nhật được kiến thức về những công nghệ mới nhất. Đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Ông Ngọc cho hay: “Câu chuyện ở FPT là một ví dụ. Mỗi năm chúng tôi cần từ 3.000 – 4.000 lập trình viên nhưng không bao giờ tuyển đủ. Một trong những cản trở sự phát triển của FPT hiện nay chính là khó khăn về nguồn lực. Mặc dù cả nước có nhiều cơ sở đào tạo nhưng sau khi tuyển về, để đạt yêu cầu của doanh nghiệp cũng không phải dễ, bản thân FPT cũng đã phải đào tạo thêm rất nhiều”.

Cùng với vấn đề đào tạo, Tổng giám đốc FPT cũng đánh giá truyền thông có vai trò không kém phần quan trọng: “Tôi cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông về tinh thần khởi nghiệp, những tấm gương khởi nghiệp, đồng thời tuyên truyền giáo dục tinh thần khởi nghiệp cho thanh thiếu niên. Để làm được điều này rất cần nhà nước tham gia thúc đẩy. Phải làm sao khuyến khích, khích lệ mạnh mẽ để nổi bật được tinh thần khởi nghiệp của thanh thiếu niên Việt Nam”.

Bui-Quang-Ngoc-TGD-FPT

Liên quan đến vấn đề huy động vốn đầu tư cho các startup việt, Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc đề xuất Chính phủ có thể tham gia lập các Quỹ, các giải thưởng về khởi nghiệp. Ông Ngọc cho rằng:

“Nói đến khởi nghiệp, chắc có tới 90% là khởi nghiệp trên kinh tế số, nằm trong trách nhiệm, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, do đó mong rằng Bộ TT&TT sẽ có được những biện pháp cụ thể để đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp Việt Nam”.

Cần xây dựng các kênh thông tin tuyền truyền về khởi nghiệp

Trong phát biểu kết luận buổi làm việc với Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã có kiến nghị với Chính phủ về giải pháp xây dựng các kênh thông tin, tuyên truyền, ví dụ như một cổng thông tin khởi nghiệp để tăng cường phổ biến thông tin về quy định pháp luật đến với các doanh nghiệp khởi nghiệp; giúp các doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận biết được các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, các thủ tục hành chính cần phải thực hiện cũng như các thông tin về ưu đãi đầu tư liên quan hoạt động của các doanh nghiệp.

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận vốn đầu tư, theo Bộ trưởng, hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ nên hình thành các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên, Bộ TT&TT thấy rằng theo thông lệ thì việc đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp thường do các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư thực hiện và họ mới có thể xác định được chính xác nhất cơ hội khi tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bộ trưởng nhấn mạnh:

“Vai trò của Chính phủ là tạo ra cơ chế pháp lý thông thoáng, môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư tham gia hỗ trợ doanh nghiệp”

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần phải có các giải pháp để cung cấp thông tin về các ý tưởng khởi nghiệp đến được với các nhà đầu tư, các Quỹ đầu tư mạo hiểm để họ có thể xem xét hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Để thực hiện được giải pháp này cần sự chủ động của các doanh nghiệp, sự phối hợp hỗ trợ kết nối của các hiệp hội. Đặc biệt, Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cần nêu cao vai trò trong việc kết nối các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm…

Startup Việt cần được đào tạo về quản trị doanh nghiệp
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here