5 “tỷ phú nông dân” làm giàu từ nuôi heo rừng

2
5553

Khởi nghiệp ở nông thôn, làm giàu từ chính mảnh đất quê hương luôn được nhiều bạn trẻ băn khoăn với câu hỏi: Làm gì để sinh ra tiền? Trồng cây gì, nuôi con gì để có thể phát triển được?…

Nuôi heo (lợn) rừng là một trong những hướng có thể tham khảo. Có rất nhiều người đã thành công, trở thành triệu phú, thậm chí là tỷ phú nhờ phong trào nuôi heo rừng. Dưới đây là những tấm gương làm giàu nhờ mô hình này.

1. Nguyễn Quốc Thịnh (xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa)

 Tự Anh Thịnh tạo dựng trang trại từ 2 con heo rừng
Tự Anh Thịnh tạo dựng trang trại từ 2 con heo rừng

Năm 2006, anh Thịnh sử dụng lô đất vườn đồi cha mẹ để lại để tự canh tác, dựng trang trại. Tuy nhiên số vốn lúc đó anh có chỉ vỏn vẹn.. 1 triệu đồng.

Trong 1 triệu đồng đó, 400.000 đồng anh để làm một chuồng nhỏ bằng ván gỗ nuôi heo, cùng một “sân chơi” rộng khoảng 500 m2 với hàng rào thép bao quanh để đáp ứng đặc tính “chạy rông” của heo rừng. Số tiền còn lại anh lên huyện miền núi Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) mua được cặp heo rừng lai của một gia đình người dân tộc Raglai. Thức ăn cho heo được anh tận dụng chuối cây, rau khoai có sẵn trong vườn để tiết kiệm.

Thời gian đầu khởi nghiệp trang trại chỉ có mỗi 2 chú heo, trông cũng lèo tèo. Nhưng anh đã không nản, quyết tâm nuôi heo sinh sản, rồi dần dần gây dựng thành đàn.

Sau một thời gian cần mẫn học hỏi và chăm sóc, hiện anh đang sở hữu một trang trại bề thế thu lợi nhuận cao. Trung bình mỗi năm, anh xuất bán được 40 con heo rừng lai, cho thu nhập khá.

2. Đoàn Phan Dinh (xã An Khánh, huyện Châu Thành, Đồng Tháp)

Trang trại heo rừng của chàng cử nhân Đoàn Phan Dinh
Trang trại heo rừng của chàng cử nhân Đoàn Phan Dinh

Những năm đại học, anh Dinh làm thêm cật lực để dành tiền lên Đồng Nai khởi nghiệp mua heo giống, rồi lại mua heo và kinh doanh quán cà phê. Tuy nhiên tất cả đều lụi bại.

Sau đó, chàng cử nhân quyết tâm tìm hiểu, anh vay 30 triệu để tiếp tục gây dựng lại đàn heo rừng sau hai lần thất bại. Hiện, việc kinh doanh ngày càng phát triển. Đàn heo của anh Dinh giờ đã tăng lên khoảng 400 con, trong đó có 50 con heo nái.

Mỗi tháng anh Đoàn Phan Dinh bán khoảng 250 heo giống, thịt, nái bầu. Ngoài ra, anh còn hợp tác chăn nuôi với các hộ khác để cung ứng từ 150 – 200 con/tháng.

Tổng giá trị đàn heo của trang trại anh Dinh lên đến hơn một tỷ đồng. Mỗi tháng anh Dinh “bỏ túi” khoảng 50 triệu đồng.

3. Đỗ Mạnh Hùng (xã Thụy Sơn, Huyện Thái Thụy, Tỉnh Thái Bình)

Đỗ Mạnh Hùng nuôi heo thu nhập 900 triệu/năm
Đỗ Mạnh Hùng nuôi heo thu nhập 900 triệu/năm

Năm 2013, tốt nghiệp đại học, Hùng được nhận vào làm cho một công ty viễn thông lớn với mức lương cao. Tuy nhiên, với suy nghĩ dù lương có cao cũng vẫn là đi làm thuê, Hùng trăn trở nhiều đêm tìm hướng đi để có thể làm chủ một sản nghiệp của chính mình.

Về quê với 100 triệu đồng tiết kiệm trong 3 năm làm việc ở công ty viễn thông, chàng trai 9X vay thêm tiền, thuê đất của người dân quanh vùng để làm trang trại. Ban đầu chưa có kinh nghiệm và không biết nuôi con gì, Hùng thả gà, vịt, ngan nhưng đều thất bại.

Khủng hoảng nhất là khoảng tháng 9/2013, khi cơn bão khủng khiếp đi qua đã thổi bay toàn bộ nóc nhà, trang trại. Tỉnh dậy sau một đêm thấy cơ ngơi trống trơn đổ nát, vật nuôi chết gần hết, Hùng mất trắng 300 triệu đồng. Chán nản, mệt mỏi nhưng không bỏ cuộc, Hùng nghĩ mình đã đầu tư nhiều tiền và công sức như vậy rồi, kể cả thất bại nhưng vẫn phải rút kinh nghiệm để làm lại từ đầu.

Sau sự cố ấy, Hùng lại một mình một xe máy lên đường đến các tỉnh lân cận để học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, cách ngừa dịch bệnh cho vật nuôi. Cuối cùng, Hùng đầu tư 400 triệu đồng để mua 54 con lợn rừng nhập từ Thái Lan.

Mạnh dạn đầu tư vào vật nuôi lạ, Hùng trở thành người đầu tiên trong tỉnh theo đuổi mô hình này. Chàng trai trẻ ấy còn là người “tiếp lửa”, hướng dẫn và truyền kinh nghiệm cho rất nhiều người ở các tỉnh Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam… tìm đến học hỏi thực tế.

Đến nay, trang trại đã được mở rộng tới 3 hecta, trung bình mỗi tháng xuất bán 40-50 con lợn, đem về thu nhập hơn 100 triệu đồng.

4. Trần Phúc Đạt (xã Tân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An)

Ông Trần Phúc Đạt theo đuổi thương hiệu “thịt lợn rừng sạch”
Ông Trần Phúc Đạt theo đuổi thương hiệu “thịt lợn rừng sạch”

Xuất ngũ năm 1988, ông Đạt (SN 1965, ở xóm Tân Vĩnh, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) trở về địa phương rồi được bầu làm Chủ tịch UBND xã Tân Thành.

Năm 2010, ông quyết định nghỉ việc ở xã để về nối nghiệp bốc thuốc Bắc gia truyền. Một lần xem tivi thấy mô hình nuôi lợn rừng, ông Đạt nghĩ: Lợn rừng là đặc sản, nuôi lợn rừng theo kiểu bán hoang dã sẽ cho lãi cao.

Nghĩ là làm, ông mua cặp lợn rừng giống về nuôi. Sau hơn 8 tháng chăm sóc cả 2 con lăn đùng ra chết vì mắc dịch tai xanh.

Thất bại nhưng không hề nản chí, ông quyết tâm học hỏi, mua 2 cặp lợn giống về nuôi. Lần này rút kinh nghiệm, 2 cặp lợn sau 1 năm đã sinh sản.

Lấy ngắn nuôi dài, dần dà ông Đạt đã gây dựng được một trang trại lợn rừng rộng hơn 1ha với gần 100 con. Điều độc đáo là thức ăn cho lợn rừng, ngoài các loại thức ăn thông thường, ông Đạt còn bổ sung các loại cây, lá thuốc Nam, thuốc Bắc để tạo sức đề kháng và phòng chống dịch bệnh cho lợn.

Với phương pháp nuôi độc đáo này, sản phẩm lợn rừng của ông được khách hàng khắp nơi ưa chuộng, mỗi năm đem về cho ông thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Trang trại của ông Đạt cung cấp lợn giống, lợn thịt cho các nhà hàng, trang trại ở Yên Thành, là đầu mối cung cấp lợn thịt và lợn giống cho nhiều huyện ở Nghệ An.

5. Trần Đức Quốc (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng)

Một góc trang trại heo rừng của Trần Đức Quốc
Một góc trang trại heo rừng của Trần Đức Quốc

Đầu năm 2006 khi còn là nhân viên an ninh kiêm lái xe cho Ngân hàng Phương Đông, anh tình cờ đọc được tin ở Bình Phước đã nhân giống thành công loài heo rừng hoang dã. Vốn là người nhanh nhạy và năng động, nắm bắt kinh doanh thức ngon vật lạ từ thiên nhiên, anh xin nghỉ việc và bắt tay vào công cuộc làm giàu theo hướng đó.

Từ 1 nhân viên ngân hàng có thu nhập đáng mơ ước của nhiều người, nghỉ việc để lên núi  ngày ngày cuốc đất lập trang trại, không ít người cho rằng Quốc đang “có vấn đề!”, những người thân nhất cũng không đồng ý, thậm chí còn bàn lùi. Nhưng Quốc không hề nản chí mà vẫn quyết tâm theo đuổi con đường riêng.

Để thực hiện được công việc cần phải có chuồng trại, con giống… Quốc rao bán lô đất mà mình dành dụm mua trước đó lấy tiền thực hiện hoài bão.

Hơn một tuần lặn lội khắp vùng bán sơn địa Hòa Ninh, cuối cùng anh đã chọn mua được một triền đồi rộng 3,2ha nằm sâu dưới chân núi Bà Nà (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đầy lau lách và cỏ gai với giá 312 triệu đồng.

Sau hơn 3 tháng vất vả, cả vùng lau lách cỏ gai đã thành hình của một trang trại quy mô. Cùng với làm chuồng trại, Quốc vào Bình Phước tìm đến địa chỉ cơ sở nuôi heo rừng mua 30 con heo giống (11 con đực và 19 con cái) với giá 106 triệu đồng.

Từ đó đến nay, đàn heo này đã sản sinh ra hàng trăm con heo giống cung cấp cho các tỉnh trong cả nước. Chỉ tính trong năm 2008, trang trại của anh đã bán ra thị trường hơn 200 con heo rừng giống (mỗi con khoảng 10-15kg) với giá 270.000 đồng/kg, thu về khoảng hơn 700 triệu đồng.

Hiện trang trại Nhất Trung Sơn của Quốc được các nhà quản lý đánh giá là trại nuôi heo rừng lớn nhất khu vực miền Trung. Heo giống của trang trại thường không đủ xuất cho khách hàng ở các địa phương.

Với phương châm bảo hành sản phẩm đến cùng nên dù giá heo rừng cao hơn hẳn so với các cơ sở khác nhưng vẫn nhiều người tìm đến.

Như vậy, sau nhiều năm lăn lộn có lúc thăng, lúc trầm, đến nay chủ trang trại trẻ ấy đã thu được hàng tỷ đồng từ bán heo rừng giống và thực sự nổi tiếng với cái tên “Tỷ phú heo rừng”.

5 “tỷ phú nông dân” làm giàu từ nuôi heo rừng
5 (100%) 1 vote

2 COMMENTS

  1. Trang trại nhà mình chuyên cung cấp heo rừng thịt và con giống,bạn nào có nhu cầu liên hệ mình nhé,mình ở ninh hoà,khánh hoà,dt của mẹ,0989033496,của bố 0997730223

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here