CEO PYS Travel: Với startup, tiền không phải quan trọng nhất

0
2018

Trần Sỹ Sơn, thuộc thế hệ trẻ 8X, sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở Nam Định, sớm có niềm đam mê với lĩnh vực kinh doanh và bén duyên với ngành du lịch.

Sơn tốt nghiệp ngành kinh tế đối ngoại, đại học Ngoại Thương. Sau khi ra trường, anh làm trưởng phòng tuyển sinh của trường đại học FPT với thu nhập khá ổn nhưng do sẵn máu kinh doanh nên Sơn rủ vài người bạn cùng mở công ty riêng. Vậy là năm 2010, PYS Travel được thành lập.

Hai năm đầu Sơn vừa làm FPT vừa điều hành công việc kinh doanh công ty riêng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2011, do công việc quá nhiều nên anh đã quyết định nghỉ việc tại FPT để tập trung cho công việc kinh doanh tại PYS.

Chân dung CEO 8X
Chân dung CEO 8X

Vốn là người đam mê du lịch, hay đi phượt, Sơn muốn tạo ra 1 điều gì đó rất khác với các công ty du lịch khác về sản phẩm, chiến lược đi.

Thời điểm công ty mới thành lập, Cô Tô, Mộc Châu, Hà Giang đẹp và nguyên sơ nhưng ít người biết tới. Nắm bắt điều đó, Sơn quyết định mở tour đến những địa danh này. Và rất may mắn, đây là những tour rất thành công và PYS tự hào là một trong những người đầu tiên mở tour “khai phá” những vùng đất này.

Từ đó, công ty của Sơn mở ra nhiều tour khác, lập ra phòng nghiên cứu phát triển thị trường, nghiên cứu tiềm năng các vùng đất du lịch mới.

Tất nhiên công việc kinh doanh của Sơn không hề suôn sẻ và thuận lợi ngay từ ban đầu, cũng trải qua rất nhiều khó khăn và trắc trở.

Vốn ban đầu của Sơn và các bạn rất ít vì anh quan niệm ngành du lịch “không cần quá nhiều vốn, chúng ta chủ yếu đầu tư chất xám thôi”. Tour đầu tiên của họ là vào dịp nghỉ lễ 30/4/2010, Sơn cùng một người nữa, mỗi người góp mỗi người 500 nghìn sau đó đặt cọc tiền xe, rồi đi kêu gọi anh em, bạn bè đi tour Đà Nẵng. Sau tour ấy, nhóm bạn được lời 8 triệu, chia về mỗi người 500 nghìn, còn lại 7 triệu để lại mở tour tiếp, cứ thế lấy lãi làm vốn. Từ việc tự chạy việc, văn phòng đi mượn rồi công ty dần tuyển được người rồi thuê văn phòng riêng.

Trong quá trình khởi nghiệp, không ít lần Sơn và mọi người “mếu dở khóc dở”. Anh kể một vụ nhớ đời năm 2012, Sơn hợp tác với hotdeal để làm chương trình đi thiền viện. Lúc đó họ ký được gần 1 nghìn khách. Ngay sát ngày đi, một số đối tác đột ngột hủy hợp đồng cho thuê nhà trong khi sư thầy nơi họ định đưa khách đến thăm cũng hủy không cho vào thăm vì sợ số lượng khách đến thăm quá lớn sẽ làm ảnh hưởng đến thiền viện.

Lúc đó hotdeal thì chưa chuyển tiền về trong khi lại đang nợ rất nhiều tiền xe, khách hàng thì phải đợi để được đi, mọi người phải chạy ngược chạy xuôi tìm liên hệ với các thiền viện khác. Cũng may sau đó được một số thiền viện giúp đỡ, đồng ý cho khách đến thăm rồi còn nấu cơm chay cho khách nữa.

Để có thể đứng vững và phát triển, chiến lược cạnh tranh mà Sơn đưa ra là giữ vị trí của mình bằng cách đẩy mạnh marketing online, mang đến cho các khách hàng những giá trị gia tăng, và quan trọng nhất chính là chất lượng dịch vụ. Do đó, anh rất chú ý vào yếu tố con người. Hướng dẫn viên có cảm thấy vui vẻ, thoải mái mới có thể làm tốt công việc, mang đến sự hài lòng cho khách hàng.

Công ty PYS Travel
Công ty PYS Travel

Với những thành công nhất định, Trần Sỹ Sơn đã có một số lời khuyên đối với các bạn trẻ đang có ý định làm start-up:

– Yếu tố đầu tiên chính là đam mê. Trong quá trình lập nghiệp, bạn sẽ gặp vô vàn khó khăn, thử thách, nếu không có đam mê, bạn sẽ dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng.

– Yếu tố thứ hai, và quan trọng không kém chính là việc bạn phải trả lời được câu hỏi “mình đang giải quyết vấn đề gì cho xã hội”. Nếu trả lời được, bạn sẽ đi đúng hướng.

– Các bạn muốn khởi nghiệp, sau khi ra trường hãy dành từ 3-5 năm đi làm tại các doanh nghiệp lớn để trải nghiệm, làm phong phú thêm vốn sống cũng như tìm ra đam mê thực sự của mình trước khi bắt đầu tự kinh doanh.

– Đối với startup, Sơn không nghĩ tiền là yếu tố quan trọng nhất, có nhiều startup về công nghệ hay dịch vụ không cần quá nhiều vốn, cái quan trọng nhất là chất xám bạn bỏ vào, niềm đam mê và kinh nghiệm sống của bạn tới đâu. Tất nhiên, nếu bạn muốn bùng nổ trong một thời gian ngắn thì vấn đề lại khác.

– Người đứng đầu doanh nghiệp phải là người luôn luôn cảm thấy đói, có đói thì mới có động lực để làm việc tiếp còn nếu cảm thấy no đủ thì bạn sẽ có tư tưởng muốn hưởng thụ. Mà khi mình hưởng thụ thì nhân viên sẽ chẳng còn tinh thần làm việc. Còn làm startup thì đương nhiên bạn sẽ đói, nhưng chính điều đó sẽ là động lực tập cho bạn thói quen nhìn người khác để phấn đấu.

CEO PYS Travel: Với startup, tiền không phải quan trọng nhất
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here