Trong thời đại internet bùng nổ hiện nay, nhiều người băn khoăn liệu trong tiếp thị có quy luật nào luôn đúng, bất kể khách hàng của bạn đang trực tuyến hay ngoại tuyến?
Dưới đây là 5 quy luật tiếp thị sẽ không lỗi mốt vì chúng đã “bén rễ” trong tâm lý người tiêu dùng bạn có thể học tập cho mọi loại hình kinh doanh và phát triển sản phẩm mà không cần do dự. Thực tế kinh doanh cho thấy sau 100 năm nữa, những quy luật tiếp thị này vẫn còn đúng.
1. Hãy làm người tiên phong thay vì cố gắng làm tốt hơn
Bất cứ công ty nào xuất hiện đầu tiên trong một lĩnh vực mới đều tạo ra ấn tượng lâu dài qua nhiều thế hệ.
Có rất nhiều thực tế từ xưa đến nay như hãng Coke với sự ra đời của nước ngọt có ga. Coca-Cola được thành lập vào năm 1892. Pepsi thành lập năm 1898, 6 năm sau Coke là một đối thủ thực sự mạnh. Tuy nhiên, tính đến năm 2015, trong thị trường nước ngọt Hoa Kỳ, thị phần của Pepsi vẫn nhỏ hơn Coke (31,1% so với 42,7%).
Rõ ràng, ấn tượng đầu tiên đã khiến Coca-Cola luôn dẫn đầu trong tâm trí khách hàng. Và nếu bạn không phải là người tiên phong, bạn sẽ không để lại nhiều dấu ấn trong tâm trí mọi người.
2. Nếu không thể đi đầu, hãy tạo ra một lĩnh vực mới
Trong mỗi một lĩnh vực kinh doanh mới, chỉ có một công ty đi đầu, và sau đó là vô số những công ty mô phỏng theo.
Tuy nhiên, bạn vẫn có khả năng chiến thắng dù không đi đầu nếu bạn có thể tạo ra một lĩnh vực hoàn toàn mới. Bạn có thể tập trung vào lĩnh vực sẵn có hoặc mở ra một phân khúc hoàn toàn mới. Đây là con đường mà nhiều doanh nghiệp đã chọn lựa và thành công thay vì mô phỏng theo công ty đi đầu.
Ví dụ về Apple, “sinh sau đẻ muộn” nên hãng khó có thể thâm nhập vào thị trường máy tính xách tay toàn cầu khi mà các đối thủ mạnh như HP và Lenovo đang chiếm lĩnh (20,7% và 20%). Vì vậy, vào năm 2012, hãng đã tạo ra một loại máy tính xách tay chuyên dụng mới: máy tính bảng. Ngày nay, Apple dẫn đầu trên toàn cầu trong phân khúc này.
3. Nhận thức quan trọng hơn sản phẩm
Thông thường, chúng ta luôn có tâm lý có thể cải thiện những sản phẩm đã có trên thị trường bằng cách tạo ra một sản phẩm cùng loại nhưng tốt hơn. Điều này có thể đúng nhưng dù sản phẩm của bạn có ngày càng tốt hơn, người tiêu dùng có lẽ cũng sẽ chẳng để ý hay bị thuyết phục bởi cái bóng quá lớn của sản phẩm trước đó.
Tuy nhiên, khi hiểu quy luật của nhận thức, bạn vẫn có thể hoạt động hiệu quả và sinh lời ngay cả khi bạn không phải là người đi đầu.
Trong mỗi một phân khúc sản phẩm, dù không đi đầu tiên, bạn vẫn có thể tạo ra một cuộc cách mạng, làm thay đổi nhận thức của mọi người và sản phẩm của bạn sẽ có chỗ đứng trong thị trường.
4. Sở hữu ngôn từ chính là sở hữu cảm nhận
Những đoạn nhạc hiệu quảng cáo, khẩu hiệu, slogan quảng cáo sản phẩm phủ sóng TV hay đài phát thanh sẽ nhanh chóng được lưu giữ trong tâm trí khách hàng.
Khi bạn sở hữu khẩu hiệu hoặc một đoạn nhạc nào đó, bạn sẽ sở hữu cả một căn nhà trong tâm trí khách hàng. Đó là cảm giác được ủng hộ vô giá. Và nếu may mắn, đoạn nhạc, khẩu hiệu đó được người ta nhớ, đi vào cuộc sống, vào những trò giải trí thì sản phẩm càng vang xa hơn.
Do đó, rất nên thận trọng khi thay đổi các đoạn nhạc hiệu, khẩu hiệu, slogan… bởi không phải phiên bản mới nào cũng vượt lên được cái bóng quen thuộc đã in sâu vào tâm trí mọi người. Nhiều thương hiệu nổi tiếng khôn ngoan đã giữ vững slogan, khẩu hiệu từ khi ra đời. Ví dụ câu khẩu hiệu “Just do it” của Nike ra đời từ năm 1988, tồn tại và nổi tiếng đến bây giờ.
5. Cạnh tranh trong mọi sản phẩm thường tương đương với việc chẳng thắng được gì
Thông thường khi các công ty đã đạt đến một mức độ thành công nhất định và muốn tiếp tục gia tăng lợi nhuận họ sẽ mở rộng thương hiệu và tạo ra một dòng sản phẩm mới, dịch vụ hay ý tưởng mới nhưng lại gắn dưới cùng một tên thương hiệu lên tất cả mọi thứ.
Điều này chỉ khiến khách hàng lẫn lộn, không phân biệt được các sản phẩm mới đó mà chỉ in dấu sản phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi của hãng và thương hiệu bị mất giá trị. Chính vì vậy, bạn nên tạo ra một thương hiệu mới cho mỗi sản phẩm.