Dưới đây là những phát ngôn vô cùng ấn tượng của các doanh nhân Việt năm 2016 mang lại cảm hứng, bài học quý giá cho những ai theo đuổi sự nghiệp này.
1. Hoàng Khải, ông chủ Tập đoàn Khải Silk: “Ai chả có lúc khó khăn”
Là ông chủ của Tập đoàn Khải Silk, doanh nhân Hoàng Khải hiện sở hữu một khối gia tài cực “khủng” bao gồm loạt cửa hàng tơ tằm lớn, hệ thống nhà hàng, khách sạn cao cấp cùng rất nhiều các bất động sản khác.
Mới đây, ông đã tuyên bố không phạt Parkson vì đã phá vỡ hợp đồng kinh doanh. Lý do doanh nhân này đưa ra là: “Ai chả có lúc khó khăn. Do đó, đối với việc Parkson rút lui, Hoàng Khải và Paragon sẽ lấy lại mặt bằng và cho công ty khác thuê. Nếu phạt nhau như thế kia thì lúc mình khó khăn, ai thương!”.
2. Lê Hoài Anh, Chủ tịch HAL Group (CTCP Thủy Lộc): “Đôi khi chính nghịch cảnh nó tạo ra sự thành công một con người…”
Bà Lê Hoài Anh hiện là Chủ tịch HAL Group (CTCP Thủy Lộc) – một tập đoàn nổi tiếng chuyên phân phối các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Chia sẻ về bí quyết khởi nghiệp, doanh nhân Lê Hoài Anh từng nói: Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ khi muốn khởi nghiệp, dù bắt đầu với cái gì thì cũng phải tìm hiểu kỹ cái mình định làm. Đừng nghĩ tới những cái to lớn quá, hãy bắt đầu từ những việc vừa sức mình, nhỏ nhỏ tầm tầm.
Cơ hội đến với mọi người là như nhau, quan trọng là chúng ta tận dụng thời cơ đó như thế nào. Xuất phát tôi là số 0, thậm chí phải là số âm khi bắt đầu với một khoản nợ lớn do gia đình để lại.
“Đôi khi chính nghịch cảnh nó tạo ra sự thành công một con người. Nếu không có những khó khăn thời đó, không biết bây giờ tôi sẽ như thế nào, có thể sẽ không được như bây giờ. Điều tôi muốn nói với các bạn trẻ là, tất cả những người thành công đừng nghị họ may mắn, rất ít trong số họ “con ông cháu cha”. Rất nhiều người từ bàn tay trắng làm nên. Cơ hội đến với mọi người là như nhau. Do vậy, cũng đừng nói mình không có cơ hội. Thay vì kêu ca, than vãn, hay biết cách nắm bắt”.
3. Nguyễn Mạnh Hùng, CEO Viettel: “Tôi nghĩ khởi nghiệp đầu tiên là bán chiếc xe máy của mình đi”
Sau hơn 20 năm gắn bó với Tập đoàn viễn thông quân đội, ông Hùng được nhận định là “linh hồn Viettel – người đưa di động, Internet trở thành dịch vụ bình dân”. Ông là người có nhiều ý tưởng, nhiều khi hết sức độc đáo; thậm chí dưới con mắt của một số người, đôi khi là “hoang đường”.
Nhận xét về người trẻ khởi nghiệp, ông cho rằng: “Từ ngày đầu đã được bơm tiền, vũ trang đến tận răng thì khó xả thân và làm việc quên mình lắm. Tôi nghĩ khởi nghiệp đầu tiên là bán chiếc xe máy của mình đi, chỉ khi đó mới có thể thành công”.
Còn đối với những đã thành công, CEO Nguyễn Mạnh Hùng từng chia sẻ: “Cái chết đến vào lúc chúng ta đang ngủ quên trên chiến thắng chưa bao giờ là chuyện cổ tích”.
4. Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk: “Nếu thị trường không minh bạch thì mọi sản phẩm đều bị người tiêu dùng đánh đồng như nhau”
Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk từng nằm trong danh sách top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á Forbes bình chọn.
Cách đây mấy năm, khi mới bắt đầu làm sữa TH, bà Thái Hương đã có phát ngôn mà lúc bấy giờ nhiều người coi là gây sốc, đó là “Tôi không có đối thủ”.
Bà Thái Hương chia sẻ: “Trước khi chúng tôi tham gia, Việt Nam nhập khẩu đến 92% sữa bột để pha chế thành sữa nước. Sau đó, ngành sữa giảm dần tỷ lệ nhập bột sữa về pha chế lại. Nhóm ngành quan trọng này liên quan đến sức khỏe con trẻ, nhưng đến nay chưa có chính sách cụ thể công nghệ cao cho sữa.”
“Tôi đã đi hàng trăm cuộc họp nhưng vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật ra đời. Sữa hiện nay vẫn chỉ là sữa pha lại. Đơn giản mỗi cái đâu là sữa tươi, đâu là sữa pha lại mà vẫn chưa có. Hai chữ minh bạch là điều cực kỳ quan trọng”
Bà đã đề xuất Nhà nước cần ban hành một bộ tiêu chuẩn công nghệ cao một cách minh bạch, trong đó, tiêu chí sản phẩm là quan trọng nhất để coi nó là sản phẩm công nghệ cao hay không. “Nếu thị trường không minh bạch thì mọi sản phẩm đều bị người tiêu dùng đánh đồng như nhau”.
5. Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT: “Việt Nam có lợi thế của người đi sau”
Trong suốt quá trình phát triển FPT, ông Trương Gia Bình được xem là linh hồn, là người tập hợp lực lượng và luôn đưa ra những định hướng quan trọng.
Theo ông Trương Gia Bình “Đôi khi sách vở làm chúng ta méo mó, lý thuyết, chỉ nằm trên giấy nếu chúng ta không biết vận dụng và hành động. Đó chính là thói quen phần lớn bạn trẻ Việt đang mắc phải. Nếu muốn thành công, chúng ta nên hành động, và điều quan trọng hơn là hãy bắt đầu từ một việc đơn giản nhất, và hoàn thành nó với kết quả tốt nhất”.
Mới đây tại một hội nghị về bàn giải pháp nào thúc đẩy thanh toán điện tử trong thu phí giao thông đường bộ, ông Trương Gia Bình đã có câu nói khiến nhiều người ngạc nhiên khi cho rằng: Việt Nam có lợi thế của người đi sau. Bởi khi đi sau, tức là lựa chọn những công nghệ hiện đại nhất để sau này không phải sửa chữa, vá lỗi nhiều.