Mở quán chè thập cẩm cần chuẩn bị những gì?

0
17926

Những ngày hè nắng nóng, oi bức, các loại chè nhiều màu sắc luôn là món ăn giải nhiệt được nhiều người ưa chuộng. Có rất nhiều các hàng chuyên sâu về các loại chè khác nhau như chè Thái, chè Huế, chè khúc bạch… nhưng phổ biến nhất vẫn là các quán chè thập cẩm, khách được tha hồ lựa chọn theo sở thích riêng, chủ quán cũng sáng tạo ra thêm nhiều món mới, lạ miệng mà hấp dẫn.

Nếu có ý định mở 1 quán chè thập cẩm mát lạnh vào dịp hè, hãy tham khảo những bước sau  nhé.

1. Học cách nấu chè ngon

Để bán được hàng, bạn buộc phải là người sành ăn và biết cách chế biến chè ngon. Nếu là người khéo tay và đảm đang thì chuyện này sẽ khá đơn giản, nhưng nếu chưa có kinh nghiệm, bạn có thể học 1 khóa nấu chè để biết kỹ năng nấu chè, chọn nguyên liệu, trang trí sao cho bắt mắt và hấp dẫn nhất.

Bạn có thể đăng ký tại các trung tâm dạy nấu ăn với chi phí khá mềm nhưng họ sẽ dạy bạn bí quyết để món chè có hương vị riêng và thu hút khách, nguyên liệu để tạo nên 1 món chè quen thuộc, các món chè cơ bản…

Nếu không bạn hoàn toàn có thể mặc tạp dề vào bếp học hỏi bà, mẹ, người thân cũng như những người đã có kinh nghiệm nấu chè ngon hoặc bán chè.

Bạn thực hành các loại chè nhiều lần đến khi hương vị đã gần “đạt chuẩn”, nhờ người thân, bạn bè, đồng nghiệp thử và đánh giá trước khi kinh doanh.

Nếu có món chè tủ đặc biệt, lạ và thơm ngon bên cạnh các món chè thông thường thì quán của bạn sẽ có đặc trưng và sức hấp dẫn hơn.

2. Khảo sát thị trường, chọn địa điểm

Trước khi kinh doanh bạn nên xem xét khu vực xung quanh xem có quán chè nào chưa, họ kinh doanh những loại chè nào, khách hàng ra sao, giá cả và chất lượng các món chè ra sao… Nếu gần đó có nhiều quán chè rồi thì khả năng kinh doanh của bạn sẽ không được như ý muốn, nhất là những hàng chè đã có tên tuổi, thương hiệu và lâu năm thì bạn khó có thể cạnh tranh được.

Cũng nên xem xét xung quanh có nhiều dân cư sinh sống, khách qua lại không, có tiện giao thông, có chỗ để xe cho khách không… vì điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến việc buôn bán của bạn sau này. Đối tượng ăn chè khá rộng, không chỉ có học sinh, sinh viên mà còn có dân văn phòng, dân cư lao động… Vì thế chỉ cần nơi đông dân cư, gần trường, gần khu văn phòng, khu tập thể… là bạn đã có thể có lượng khách khả quan.

Nên chọn địa điểm gần khu dân cư sinh sống, mật độ người qua lại cao, thuận tiện giao thông, có chỗ để xe và xung quanh đó không có quán chè nào hoặc có nhưng không phải cùng loại chè cạnh tranh với bạn.

Mặt bằng thuê làm cửa hàng cũng không cần quá rộng nhưng phải thoáng mát và sạch sẽ vì là kinh doanh quán ăn nên phải chú ý sao cho khách cảm thấy ưng ý và thoải mái nhất có thể.

3. Chuẩn bị vốn

Vốn để kinh doanh quán chè không cần quá nhiều, tùy vào số vốn mà bạn có để làm quán quy mô nhỏ hay lớn.

Thông thường vốn dùng để chi cho các khoản: thuê mặt bằng, mua nguyên liệu, trang trí quán, mua đồ dùng cần thiết, chi phí dự trù 3 tháng hoạt động đầu tiên…

Những bát chè lạnh bắt mắt luôn thu hút khách mùa hè
Những bát chè lạnh bắt mắt luôn thu hút khách mùa hè

4. Tìm nguồn nguyên liệu

Kinh doanh quán chè thập cầm bạn có thể tự mua nguyên liệu về nấu, chế biến hoặc mua sẵn chè đã nấu từ các cửa hàng chè nấu sẵn cung cấp số lượng lớn cho các shop, chuyên chè kí cho các cửa hàng, đồ giải khát, đồ ăn vặt… Bạn có thể tìm địa chỉ những quán chè nấu sẵn này trên mạng, trên các diễn đàn khá nhiều.

Nếu tự mua nguyên liệu về nấu thì bạn có thể tìm đến các chợ đầu mối là thiên đường cho bạn lựa chọn. Một số chợ đầu mối như chợ Đồng Xuân, chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), chợ Hà Đông…

Hoặc bạn có thể nhập sẵn từ các cửa hàng chè có thương hiệu để kinh doanh (ví dụ chè Liên Đà Nẵng đang khá hot), giá bán ra cao hơn, lấy lãi mà thương hiệu chè thì đã có, không phải băn khoăn về chất lượng… Kinh doanh kiểu này cũng khá ổn.

5. Mua vật dụng cần thiết, trang trí quán

Bạn có thể dự trù, mua các đồ dùng cần thiết cho quán cũng như trang trí quán như bàn, ghế, cốc bát, âu đựng chè bán, thìa, tủ đựng chè, hộp giấy ăn, tranh dán tường, biển hiệu, cốc nhựa, máy dập nắp nếu mang tận nơi cho khách…

Tùy quy mô bạn có thể mua đồ phù hợp với không gian, nên nhớ quán chè phải sạch sẽ, thoáng mát và các món chè được bày bắt mắt, bán, thìa có thể ngộ nghĩnh để thu hút khách hàng teen hơn…

Bạn có thể tìm đồ trên các diễn đàn, các group Facebook, trang đồ đạc thanh lý để tiết kiệm chi phí.

6. Lên menu và định giá bán

Bạn phải lên menu các món chè trước khi kinh doanh, tùy vào khả năng và tài chính để kinh doanh các loại chè nào, nhiều hay ít loại chè, rất nên có 1 món làm tâm điểm, đặc trưng thu hút của quán với khách hàng.

Tùy vào chi phí mua nguyên liệu, thuê mặt bằng… bạn định giá chè cho phù hợp, giá chè thường không quá đắt, chỉ từ 12 – 25 nghìn đồng/cốc. Tùy loại đặc biệt với nguyên liệu đắt hơn thì sẽ có giá cao hơn.

Bạn có thể bán theo hình thức tự gia giảm đồ từng loại chè cho khách hay cho khách tự chọn với các nguyên liệu… tùy vào tình hình kinh doanh của bản thân. Cũng nên xem xét ngoài việc bán trực tiếp, nên có thêm hình thức giao hàng tận nơi cho khách sẽ bán được nhiều hơn. Giá cả và giá ship phải tính toán sao cho thật hợp lý.

Mở quán chè thập cẩm cần chuẩn bị những gì?
2 (40%) 1 vote

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here