Trời thu đông se lạnh là thời điểm thích hợp để kinh doanh quán đồ nướng, xiên que nướng. Nếu bạn đang có ý định kinh doanh mặt hàng này thì dưới đây là những việc bạn cần chuẩn bị cũng như số vốn cần thiết để bắt đầu khởi nghiệp.
Học công thức tẩm ướp ngon
Đồ nướng không đơn thuần chỉ là bạn cho nguyên liệu lên bếp nướng là xong. Món ăn độc đáo và thơm ngon do công thức tẩm ướp riêng của mỗi chủ cửa hàng.
Do đó bạn phải am hiểu các cách tẩm ướp ngon phù hợp với từng loại đồ nướng, đồ hải sản khác với đồ thịt, thịt bò khác với thịt lợn, thịt gà…
Tùy thuộc mục đích mở quán nướng thực phẩm gì là chủ đạo, bạn có thể học cách tẩm ướp và chế biến món ăn ngon.
Nếu chưa có kiến thức và tay nghề nấu nướng, bạn hoàn toàn có thể đi học tại các trung tâm đều có khóa học nấu lẩu, đồ nướng và học hỏi kinh nghiệm của bạn bè, của mẹ, gia đình nếu có truyền thống nấu ăn ngon… Bạn có thể đến các quán nổi tiếng ăn để xem họ nêm nếm hương vị cũng như có các nguyên liệu nào để học tập.
Chuẩn bị vốn
Vốn kinh doanh quán đồ nướng không cần quá nhiều, một quán nướng nhỏ cần khoảng từ 15 triệu trở lên, tùy thuộc số vốn mà bạn lựa chọn mô hình cũng như phương thức bán đồ nướng, loại thức ăn nướng và giá cả tương ứng…
Vốn dùng để mua nguyên liệu, thuê địa điểm, mua bàn ghế, bếp nướng, vỉ nướng, đồ bếp cũng như dự trù mấy tháng kinh doanh không có lãi.
Nghiên cứu thị trường, xác định đối tượng khách hàng mục tiêu
Bạn nên xem xét thị trường, khu vực xung quanh đã có nhiều quán nướng hay chưa? Các quán nướng kinh doanh món gì, hình thức kinh doanh theo đĩa hay xiên que, khách có đông không, giá cả ra sao…
Bên cạnh xem thị trường để chọn món nướng, bạn cũng phải nghiên cứu đối tượng khách hàng mục tiêu, tầng lớp nào là chủ yếu, khẩu vị ra sao, thu nhập mặt bằng chung, nhu cầu ra sao, mức giá nào phù hợp với số đông khách hàng…
Từ thị trường cũng như đối tượng khách hàng mục tiêu, bạn sẽ lên menu phù hợp để kinh doanh quán thành công, chọn được món nướng chủ đạo cũng như chế biến, gia giảm tẩm ướp phù hợp khẩu vị từng khu vực dân cư, vùng miền.
Trước khi kinh doanh bạn cũng cần xem sẽ kinh doanh theo hướng nào: theo đĩa hay xiên que, nướng thịt, nầm bò, thịt ba chỉ hay nướng hải sản; dùng vỉ than nướng hay cồn nướng chuyên dụng… Định hình được mô hình và hình thức kinh doanh sẽ khiến các bước chuẩn bị tiếp theo dễ dàng hơn.
Lựa chọn địa điểm, vị trí thích hợp
Vị trí, mặt bằng kinh doanh cũng vô cùng quan trọng, nên chọn nơi đông dân cư qua lại, gần khu dân cư, khu văn phòng hoặc chợ búa, khu công nghiệp… Giao thông thuận tiện và có chỗ để xe cho khách vào ăn.
Dù là vỉa hè hay quán ăn thì cũng đều nên chọn nơi thoáng mát, sạch sẽ cho khách ăn uống, nên thuê thời gian dài để tránh việc đang kinh doanh thuận lợi bị đòi lại mặt bằng.
Mua đồ dùng, thiết kế quán
Bạn có thể chọn các đầu mối mua đồ dùng, thiết bị cho quán với giá rẻ, ví dụ: Bát đũa có thể sang Bát Trang, Gia Lâm mua tận gốc vừa rẻ lại chất lượng; bếp nướng, vì nướng, lò nướng, Bộ đồ nướng cho khách, bàn ghế mua thanh lý…
Thiết kế quán nên sạch sẽ, có không gian thoáng mát, bếp nấu và bàn ghế dễ sử dụng, tránh không gian quá chật chội, đường dây điện lùng bùng, than quá nóng, thiếu an toàn, khiến nguy hiểm cho khách…
Tìm nguồn nguyên liệu tươi ngon, ổn định
Nguyên liệu để làm đồ nướng thông thường có thịt bò, nầm bò, thịt lợn ba chỉ, các loại hải sản, khoai nướng, dưa chuột và các loại rau khác ăn kèm tùy sở thích và khẩu vị.
Bạn nên liên hệ với các đầu mối lớn để có nguồn cung cấp an toàn, sạch sẽ và ổn định, có giá cả phải chăng.
An toàn thực phẩm cũng như đảm bảo về chất lượng là yếu tố hàng đầu để giữ khách hàng lâu dài. Lợi nhuận rất quan trọng nhưng sức khỏe của khách hàng và hương vị tươi ngon của món ăn mới khiến khách hàng tin tưởng và quay lại quán.
Do vậy, bạn hãy tìm các mối lấy nguyên liệu sạch, ổn định chất lượng và tuân theo các quy định về bảo quản là cách tốt nhất giúp cho quán luôn là nơi tin cậy cho khách hàng.
Thuê nhân viên
Khi kinh doanh quán ăn, chắc chắn một mình bạn không thể kiêm hết được các việc, nhất là khi có trên 2 bàn gọi đồ là bạn sẽ cuống lên. Do đó bạn bắt buộc phải có người làm cùng, hỗ trợ.
Thông thường 1 quán nướng nhỏ sẽ cần 1 người trông xe, 1 quản lý ghi chép, 1 chạy bàn, tiếp cồn, tiếp thêm than, 1 người chuyên bày hàng ra đĩa, 1 rửa bát và dọn dẹp…
Hoàn thành thủ tục pháp lý
Dù là kinh doanh vỉa hè hay mở quán ăn thì bạn phải liên hệ với cơ quan chức năng khu vực để đăng ký giấy phép kinh doanh cũng như chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm giúp việc kinh doanh thuận lợi sau này…
Quảng cáo quán
Để quán ngày càng đông khách, bạn cần quảng cáo online, quảng cáo tờ rơi, lập website, Facebook, Instagram… để nhiều người biết đến cửa hàng của bạn hơn.
Ngoài kinh doanh nướng, bạn có thể bổ sung vào menu các món ăn vặt khác như khoai tây chiên, ngô chiên, rau xào, rau luộc, nem chua rán hay bán thêm các loại nước uống vì ăn đồ nướng khách sẽ thường gọi thêm nước.