Ý tưởng khởi nghiệp đến từ đâu?

0
1715

Bài viết của anh Bùi Đỗ Mạnh, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Phát triển ONEBANK, đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

Sáng đi dự IYF Wolrd Camp với bạn Trần Quang Hưng và Lynk Tara. Trên đường về anh em sôi nổi trao đổi về khởi nghiệp. Hưng có chia sẻ là đang tìm kiếm một ý tưởng kinh doanh nhưng chưa hài lòng với những gì đã có. Buổi chiều đi Grabbike với một bạn sinh viên (Lê Công Huy) năm cuối ngành tự động hóa Đại học Bách khoa. Bạn ấy chia sẻ về định hướng nghề nghiệp nhưng cũng không quyết định được. Tôi có chia sẻ cách thức lập Balance score card (BSC) để bạn ấy có phương pháp lựa chọn hướng đi cho mình.

Tự nhiên nhớ lại ngày mình mới nghỉ việc ở ngân hàng và muốn lập nghiệp. Lựa chọn đầu tiên là muốn mở cửa hàng bia vì chỉ đơn giản mình đi nhậu nhiều nên biết gu của dân nhậu nhưng rồi không khai trương được vì đến khi tìm hiểu sâu thì mới phát hiện ra mình không hợp.

Đang nghỉ ở nhà thì Sếp cũ (một người Anh) gọi điện hỏi sao nghỉ không báo và nói đưa hồ sơ để anh ấy giới thiệu và cơ duyên đưa tôi sang ngành đào tạo. Do phát sinh vấn đề về sức khỏe tôi cũng dừng lại sau 2 tháng thử việc. Suy đi tính lại cũng muốn dấn thân vào con đường doanh chủ cộng với được một anh bạn mời góp vốn vào Phòng Khám. Đi với nhau một thời gian thì rồi tôi cũng phải rút vốn vì mình không nắm được kỹ thuật của nghề nên thấy rất rủi ro.

Đang loay hoay thì được một vài anh em cùng chung ý tưởng cùng bàn bạc và quyết định thử sức trong ngày đào tạo. Việc lựa chọn này được đưa ra dựa trên phân tích về môi trường đào tạo trong ngành tài chính ngân hàng, dựa trên thế mạnh về kinh nghiệp trong nghề tài chính/ngân hàng, về đào tạo huấn luyện đã từng làm và đạt kết quả rất tốt.

Đúng là, thật khó khăn khi phải lựa chọn một cái gì đó mà chưa thể biết nó dẫn chúng ta đi đâu. Cơ hội rất nhiều nhưng khó khăn cũng lắm. Sau hai năm loay hoay tôi cũng ngộ ra nhiều điều. Rất nhiều bạn chọn theo cách “Thử và Sai” (thử nếu sai thì thử lại) và chấp nhận vấp ngã. Giống như một đứa trẻ tập đi, tuy rằng nhiều lần ngã biêu trán tím môi , nhưng càng mạnh dạn thử đi thì càng biết đi nhanh. Với kinh nghiệp của mình tôi thấy rằng nếu chúng cân nhắc, suy xét một cách logic thì việc lựa chọn sẽ dễ dàng hơn và tỷ lệ thành công cao hơn.

Vậy làm sao để chọn một ý tưởng khởi nghiệp, theo tôi để chọn một ý tưởng kinh doanh tốt thì cần ít nhất là 3 yếu tố:

1. Khả năng quan sát, đánh giá và phân tích (bên ngoài) để tìm ra những nhu cầu mới/nhu cầu thay thế của con người, của doanh nghiệp hay của xã hội. Trong một lần quan sát quả táo rơi vào đầu ông, Isaac Newton đã nẩy ra một ý miên man mà ai cũng thấy bình thường: Quả táo chín rồi, tại sao lại rơi xuống đất. Trong Phương thức sản xuất Toyota có một nguyên tắc “Hiện địa, hiện vật” – Đích thân đi đến và xem xét hiện trường để tường tận tình hình (genchi genbutsu). Họ vẽ một vòng tròn nhỏ và đứng vào đó để quan sát toàn bộ hoạt động của quy trình trong suốt một hoặc nhiều ngày và phát hiện ra rất nhiều nhu cầu cải tiến.

Rất nhiều doanh chủ bán lẻ, khi tôi hỏi tạo sao anh lại đặt điểm kinh doanh ở đấy đã chia sẻ là họ đã đi rất nhiều điểm và đánh dấu lại những điểm tiềm năng. Rồi trong vòng 1 tháng, họ đến quan sát địa điểm tiềm năng vào nhiều khung giờ khác nhau để xem dân cư hoạt động và có những nhu cầu gì. Vì vậy, họ mở cửa hàng ở đâu thì điểm kinh doanh ở đó đều cho kết quả kinh doanh tốt. Nếu chúng ta đút chân vào gầm bàn để đọc tin tức, báo cáo hoặc search google (anh hùng bàn phím) mà phát hiện ra ý tưởng kinh doanh thì thường là đã quá muộn bởi vì người viết tin ấy, báo cáo đấy hoặc đã làm hoặc thấy ai đó đã làm và đưa tin. Khi chúng tôi làm việc với đối tác tư vấn nước ngoài, họ thường xuyên đi xuống đường và trực tiếp phỏng vấn khách hàng, người dân, doanh nghiệp về vấn đề mà họ quan tâm. Cái cách họ hỏi về nhu cầu/về nhận xét rất cầu thị chứ không quá chú trọng nói nhiều về sản phẩm như cách chúng ta hay làm nên kết quả rất khách quan và chỉ ra nhiều ý kiến rất bất ngờ.

Cơ bản có hai loại nhu cầu đó là:

i) Nhu cầu mang tính địa phương (địa điểm, khoảng cách, thói quen, văn hóa quyết định). Nhu cầu này bản chất là đã được đáp ứng ở đâu đó nhưng tại địa phương thì chưa được đáp ứng. Đây chính là cách mà nhiều bạn đã đem mô hình thành công ở nước ngoài vào áp dụng ở Việt Nam hoặc đem mô hình ở các thành phố lớn áp dụng cho những thành phố nhỏ hơn. Điểm mạnh là cần ít nguồn lực, cách làm có thể học về nhanh và tỷ lệ thành công cao (vì đã thành công ở nơi khác). Tuy nhiên điểm hạn chế là mức độ phát triển chỉ ở địa phương (một/vài khu phố, thành phố). Khi phát triển ra các vùng khác sẽ gặp nhiều khó khăn vì ra đời sau các thương hiệu khác.

ii) Nhu cầu phát sinh do sự thay đổi công nghệ, mô hình kinh doanh mới, phát minh mới dẫn đến các nhu cầu mới phát sinh. Nhu cầu mới đòi hỏi doanh chủ phải đưa ra những ý tưởng điên rồ/đột phá và nỗ lực rất rất lớn để tạo thay đổi nhận thức của người dân. Hạn chế của loại ý tưởng này là rủi ro rất cao vì chưa ai làm nhưng kết quả thì đầy tham vọng vì phát triển theo cấp số nhân và có tính toàn cầu. Đây chính là ý tưởng khởi nghiệp “Zero to Hero” như Uber, BnB, Google, Facebook… Thông thường các ý tưởng này đòi hỏi nguồn lực (tài lực, nhân lực, vật lực) rất lớn nên một người không bao giờ làm được và cần gọi vốn nhiều lần trước khi IPO ra công chúng.

Có một câu hỏi mà tôi thường hỏi học viên là: “Khi nào các bạn đem táo đi câu cá” – học viên cứ ngồi cười vì thấy quá vô lý quá nhưng có một thực tế là 42% ý tưởng kinh doanh lại là những điều mà thị trường không cần (theo thống kê của CB Insights). Điều cần nhất của ý tưởng khởi nghiệp là có đủ khách hàng trả tiền vì vậy hãy quan sát và tìm kiếm họ.

2. Sự đam mê (bên trong). Nhiều bạn buộc phải khởi nghiệp vì không tìm được việc hay bị mất việc nhưng cũng nhiều bạn từ bỏ những công việc tốt để khởi nghiệp. Dù cách nào đi nữa thì cũng cần sự đam mê vì đã chọn khởi nghiệp là chấp nhận khó khăn, vất vả, hao tiền tốn của và gia đình lục cục. Nếu chỉ để kiếm tiền thì có nhiều công việc làm thuê có mức thu nhập tốt và ổn định sẽ giúp chúng ta an toàn hơn. Nếu để kiếm nhiều tiền thì tôi khuyên các bạn đi đánh Vietlott cho đỡ vất vả. Đúng là khởi nghiệp có thể giúp chúng ta kiếm được nhiều tiền và thoát khỏi bẫy “thu nhập trung bình” của kiếp làm thuê nhưng cái giá mà chúng ta phải trả cũng rất lớn nếu như thất bại. Khởi nghiệp không thuận lợi và đúng như những điều chúng ta đã nghĩ. Chúng ta thấy nhu cầu rồi nhưng cần phải đợi thị trường biết đến và tin chúng ta. Tôi thường lấy ví dụ khi thả thính xuống hồ cầu thì hãy đợi cho mùi thính lan ra đến từng ngóc ngách trong hồ để tác động vào vị giác của cá và còn phải đợi dụ được cá đến ổ thính của mình, đặt biệt cá lớn thường đến ăn sau. Vì vậy hay cắm cần câu và pha một ấm trà ngồi đợi thay vì ôm khư khư cái cần để rồi đến lúc cá đến thì chúng ta lại sao nhãng.

Những cảm giác mà tôi đã phỏng vấn những người cũng như tự vấn bản thân thì đều phải trải qua đó là sự bí bách khi nghĩ đến việc làm sao kiếm được tiền trả lương cho nhân viên, cho hoạt động thường xuyên của công ty dẫn đến nhiều đêm mất ngủ; cái cảm giác chán nản, uể oải vào buổi sáng dậy khi bò ra khỏi giường với câu hỏi hôm nay mình làm gì, gặp ai để làm ra tiền hay lại vật vờ như Zombi ngày hôm qua luôn luôn ám ảnh.

Cái ngày có hợp đồng đầu tiên ôi sao mà sung sướng thế. Rồi đến những hợp đồng tiếp theo giúp cho cảm giác thành công thăng hoa. Nhưng chưa kịp sung sướng thì những biến cố lại xảy ra, chủ nhà đòi điểm kinh doanh phải nháo nhào đi thuê chỗ mới, rồi nhân viên xin nghỉ việc, cổ đông không thống nhất làm thay đổi kế hoạch ban đầu. Thế mới biết kế hoạch thì vô giá trị. Chúng tôi chấp nhận thách thức và thay đổi để tồn tại và phát triển.

Nếu không có đam mê, tôi tin là các bạn sẽ không bò ra được khỏi giường vào mỗi sáng thức dậy với vô vàn câu hỏi “Làm sao?” trong đầu. Nhưng đam mê một mình chưa đủ vì khởi nghiệp là câu chuyện đội nhóm. Người ta thường nói rằng “có rất nhiều con đường để bạn chọn lựa, nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, nhưng nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau” (ST Internet). Một người không thể làm nên doanh nghiệp khởi nghiệp. Chúng ta không chỉ tự tạo đam mê cho mình mà phải truyền đam mê cho đội nhóm của mình để mọi người cùng tiến bước.

3. Phải làm chủ được chuyên môn/kỹ thuật để giải quyết được nhu cầu mới một cách tốt nhất. Ngoài công việc và chơi game ra thì Tôi cũng rất có đam mê xe ô tô. Tôi mua xe ô tô và tự lái trước khi có bằng 4 tháng. Ngày đầu tiên trèo lên xe đánh về nhà sao cảm giác cái xe nó to thế. Tôi để chân trên chân phanh (xe tự động) 100% để xe tự bò nhưng vẫn quệt vào xe máy gập cả gương (không dám chỉnh cứ thế đi về đến nhà). Những ngày sau đó tôi vẫn áp dụng chiến thuật bò đến cơ quan nhưng đến cơ quan thì áo ướt đầm mồ hôi (sau này một bạn lái xe lâu năm giải thích là do căng thẳng nên thân nhiệt lên).

Những ngày đầu đi giảng bài cũng vậy, có buổi giảng chỉ được học viên chấm 3.5/5 điểm, làm tôi trăn trở mãi. Tuy tôi đã học qua 2 khóa kỹ năng giảng dạy và có bằng của trường ĐH Sư Phạm nhưng thấy vẫn chưa đủ. Tôi quyết tìm tòi nhiều cách giảng, đọc thêm sách về viết, vẽ trên bảng, xem youture, đi dự bài giảng của giảng viên khác và rồi tự mình làm chủ được kỹ thuật kiểm soát và thúc đẩy lớp học. Bây giờ tôi rất tự tin vào khả năng và đủ tự tin để truyền cảm hứng cho đội nhóm của mình. Số giờ giảng của tôi ngày càng tăng.

Thế mới biết đam mê chưa đủ – cần phải làm chủ được công việc của mình. Đây chính là lý do mà 2 dự án đầu tiên tôi đã thất bại.

Ý tưởng khởi nghiệp đến từ đâu?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here