Bài viết của anh Nguyễn Sơn Thành (Tổng Giám đốc tại Công ty CPXNK Quốc tế SH-TC Việt Nam) đăng trong Group Quản trị và Khởi nghiệp dành cho những ai bắt đầu dấn thân vào thương trường.
Mặc dù, ai cũng có thể mở doanh nghiệp riêng, song để kinh doanh thành công thì không dễ. Và điều quan trọng nhất để thành công nằm chính trong những bước đi đầu tiên khi bắt tay vào hành động. Yếu tố đầu tiên của thành công là dấn thân vào thử thách, yếu tố thứ hai là tính kiên định.
Khi dấn thân vào thử thách, những khó khăn mà bạn thường gặp phải sẽ là: bạn có đủ những tố chất cần thiết của một doanh nhân không? Bạn có huy động đủ nguồn vốn để thành lập công ty và vận hành kinh doanh không? Bạn có thu hút được người tài và có đủ thời gian để thực hiện những ý tưởng kinh doanh không? Bạn có đủ sự hiểu biết cần thiết về kinh doanh để biến ước mơ thành tiền và công ty do bạn thành lập phát triển thịnh vượng trong tương lai hay không?
Bạn sẽ vượt qua những khó khăn này nếu có niềm tin và lòng dũng cảm. Theo một nghiên cứu, chỉ có một trong số mười người muốn kinh doanh có đủ dũng cảm để bắt đầu và bền bỉ tiếp tục theo đuổi mục tiêu. Nỗi lo sợ sự thất bại, lớn hơn bất cứ thứ gì khác đã ngăn người ta lại, làm tê liệt mọi hoạt động và sự thất bại trở nên không thể tránh khỏi.
Vì vậy, nếu như bạn đã vượt qua được sự sợ hãi và dũng cảm dấn thân vào thử thách, hãy kiên định tiến lên phía trước với bảy lời khuyên quan trọng sau đây.
1. Tập trung vào những khách hàng có khả năng mang lại lợi nhuận cho bạn
Việc tìm khách hàng là vấn đề sống còn đối với một hoạt động kinh doanh mới mẻ. Tuy nhiên, cùng với việc tìm ra được khách hàng, bạn phải mang đến cho họ những lợi ích mới thông qua sản phẩm/dịch vụ của bạn và khó khăn hơn cả là làm thế nào để họ không chỉ mua sản phẩm/dịch vụ của bạn một lần. Vì suy đến cùng, lợi nhuận của công ty bạn sẽ càng tăng khi càng có nhiều khách hàng trung thành.
Do vậy, bạn nên tập trung vào tạo dựng các mối quan hệ và gây dựng mạng lưới khách hàng trung thành. Rất tiếc là nhiều người khi khởi nghiệp đã theo đuổi bất kỳ hoạt động kinh doanh nào mà họ có thể hoặc cho là mang lại lợi nhuận, mà không hề quan tâm đến khái niệm khách hàng và đối tác kinh doanh.
2. Tập trung vào khối lượng tiền mặt lưu thông của công ty
Những báo cáo về lưu lượng tiền mặt nên được tiến hành một tuần một lần và trong những công ty quy mô nhỏ mới thành lập, chúng nên được thực hiện hàng ngày. Việc làm này sẽ khiến bạn tính toán được doanh thu và lợi nhuận ngay từ khi mới bắt đầu. Sau đó bạn có thể dễ dàng quản lý việc bán hàng và ngân sách thu nhập.
3. Tận dụng thời gian
Khi mới bắt đầu, bạn cần đầu tư ít nhất 80% thời gian trong ngày để suy nghĩ và làm thế nào kiếm ra thật nhiều tiền. Lợi nhuận là cái đích của kinh doanh và nó không thể sinh sôi nảy nở nếu như bạn không đầu tư thời gian để tham gia vào mọi khâu trong quá trình kinh doanh,
đó là bán hàng, tiếp thị và phân phối. Nếu bạn chỉ ngồi im đằng sau một cái bàn làm việc hoặc quầy thu ngân thì bạn sẽ cầm chắc thất bại trong tay.
4. Tìm kiếm những vấn đề bạn cần làm, những sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng thực sự quan tâm
Khi bắt đầu kinh doanh, dễ dàng nhận thấy nhiều người sẽ dành sự quan tâm đến những gì mà họ cho là điểm yếu của mình hay những khâu chưa vận hành. Tuy nhiên, thị trường mới thật sự là yếu tố quan trọng và là kim chỉ nam cho mọi hành động của bạn. Sự thử nghiệm trong kinh doanh thường mang tính giới hạn, vì vậy, tốt hơn hết, bạn đừng nên bán hoặc sản xuất những thứ mà thị trường không muốn.
Điều mà bạn cần thực sự chính là sự linh hoạt. Nhiều doanh nhân đạt được những thành công đáng kể nhất của mình trong những lĩnh vực mà họ hoàn toàn không ngờ tới. Họ bắt đầu một công việc kinh doanh nhưng sau đó họ thấy rằng ý tưởng của mình không phù hợp với mong muốn của thị trường và không kiếm được nhiều lợi nhuận như ban đầu họ tưởng. Vì vậy, họ đã đổi hướng, dùng kinh nghiệm và sự hướng dẫn của thị trường để lao vào những lĩnh vực khác và họ đã thành công.
Do vậy, tiếng nói của thị trường là nhân tố quyết định cho sự khởi nghiệp thành công của bạn.
5. Quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng
Chắc chắn điều bạn muốn là khách hàng quay trở lại mua sản phẩm/dịch vụ của bạn không chỉ một lần, nhưng để làm được điều đó, hãy quan tâm đến dịch vụ chăm sóc khách hàng. Hãy đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và làm cho họ cảm thấy thoải mái khi mua sản phẩm của bạn. Khi bạn biến các nhân viên bán hàng của mình trở thành những người bạn thân thiết của khách hàng, sẵn sàng tư vấn cho họ trong mọi tình huống, thì có thể nói dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn đã thành công.
Bạn hãy luôn nhớ, dịch vụ chăm sóc khách hàng được đánh giá tốt chỉ khi nó vận hành và mang lại sự hài lòng cho khách hàng.
6. Có được những người cộng sự tốt
Sẽ rất tốt nếu bạn có được những bạn học tài năng để cùng nhau khởi nghiệp. Bạn có thể cảm thấy gánh nặng quá sức nếu như bạn khởi nghiệp một mình. Ngay cả Bill Gates cũng cần có người đồng sáng lập khi tạo dựng Microsoft. Tuy nhiên đừng có quá nhiều đồng sáng lập vì nếu vậy bạn sẽ phải thường xuyên đối mặt với sự bất đồng quan điểm.
Trong việc thuê người, bạn cũng nên bắt đầu từ những người bạn. Làm bạn với một người nào đó trong một thời gian ngắn, bạn có thể hiểu được người ấy hơn bất cứ cuộc phỏng vấn nào. Thật tuyệt vời nếu bạn tìm được người biết làm việc toàn tâm, toàn ý. Đó là những người có khả năng nhanh chóng trở nên chuyên nghiệp, rất cần thiết cho một doanh nghiệp mới thành lập, thậm chí, nếu như bạn có phải trả tiền lương cho họ cao hơn từ 1020%.
7. Tập trung vào chất lượng, chứ không phải số lượng
Ở thời điểm bắt đầu kinh doanh, nhiều doanh nghiệp thường rơi vào cái bẫy “nhiều còn hơn tốt”. Song trên thực tế, số lượng ít nhưng chất lượng cao dẫn đến giá cả cũng cao thì lại thường thu được lợi nhuận nhiều hơn. Điều tương tự như vậy khi bạn tuyển dụng nhân viên và xây dựng lực lượng khách hàng. Bạn nên có 10 khách hàng “sộp” còn hơn là 100 khách hàng nhỏ.
Trước khi đạt được thành quả lớn lao, bạn sẽ phải trải qua một cuộc thử nghiệm tính kiên trì và bảy lời khuyên trên có thể khiến cho cuộc thử nghiệm của bạn đi đến đích nhanh hơn.
[…] Những vấn đề quan trọng của khởi nghiệp […]
[…] Những vấn đề quan trọng của khởi nghiệp […]