Khởi nghiệp và startup có giống nhau?

1
2537

Khởi nghiệp và lập nghiệp, Khởi nghiệp và startup… Nội hàm những khái niệm này vẫn đang có những tranh luận nhất định vì khá nhiều người sử dụng chưa chính xác.

Bài viết trong Group Quản Trị và Khởi nghiệp của Nick Cung Vu đã đưa ra một ý kiến riêng về những khái niệm tưởng như đã quá quen thuộc này nhưng hiểu sao cho đúng không phải là việc dễ dàng.

NGƯỜI VIỆT ĐANG NGỘ NHẬN VỀ Ý NGHĨA CỦA “KHỞI NGHIỆP”?

Đã từ lâu, đọc báo Việt và bài viết của các doanh nhân, tôi vẫn nghi ngờ rằng đại đa số người Việt đang ngộ nhận về ý nghĩa “khởi nghiệp” (Start Up). Sau bài phỏng vấn của ông Trương Gia Bình trong đó ông giải thích rất sát nghĩa hai chữ “khởi nghiệp”, nhưng lại nhận nhiều phản đối trên mạng xã hội, tôi cảm thấy người Việt đúng là đang có sự ngộ nhận rất lớn về ý nghĩa của “khởi nghiệp”.

ĐỊNH NGHĨA VÀ YẾU TỐ QUAN TRỌNG CỦA “KHỞI NGHIỆP”

Theo wikipedia, định nghĩa chính xác của chữ “khởi nghiệp” vẫn còn đang được tranh cãi. Tuy nhiên ở ý chính, hầu hết các định nghĩa đều giống như cách Hiệp Hội Các Doanh Nghiệp Nhỏ Tại Mỹ mô tả: “Khởi nghiệp thường là doanh nghiệp về công nghệ, có tiềm năng tăng trưởng cao”. “Tăng trưởng cao” ở đây có nghĩa là tăng doanh thu, tăng số nhân viên và nhân rộng mô hình ra thị trường lớn hơn từng ngày.

Sức tăng trưởng cao của khởi nghiệp đến từ khả năng “phá vỡ” hoặc thay đổi cách hoạt động của thị trường hiện tại (disruptive).

Bạn mở hãng taxi, đó không phải gọi là khởi nghiệp vì thị trường taxi truyền thống đã được thiết lập lâu đời. Bạn có thể “sáng tạo” bằng cách cho ra đoàn taxi toàn xe Mercedes, nhưng đó vẫn chưa phải là khởi nghiệp.

Nhưng nếu bạn mở ra Uber thì đó là khởi nghiệp. Uber có tiềm năng tăng trưởng rất cao vì biến mọi chiếc xe trên thế giới trở thành taxi của mình, và mô hình đó có thể “copy và paste” ở khắp thế giới. Kết quả là Uber đang phá vỡ (disrupt) thị trường taxi tại nhiều quốc gia.
Tương tự, AirRnB đang phá vỡ thị trường khách sạn, Amazon đang thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm, v.v…

MỞ TIỆM CÀ PHÊ TẠI VIỆT NAM CÓ PHẢI LÀ KHỞI NGHIỆP?

Bạn vẫn có thể khởi nghiệp với cà phê, nhưng nếu bạn mở tiệm cà phê kiểu truyền thống, đó không phải là khởi nghiệp. Bạn có thể tạo khác biệt bằng cách tuyển nhân viên toàn người mẫu chân dài, hay biến quán cà phê thành kỳ quan thế giới, nhưng đó vẫn không phải là khởi nghiệp. Có thể doanh thu của bạn tăng cao, trong 1 năm ra đời thêm 1 tiệm, 5 năm sau sẽ có 10 tiệm, đó có thể được gọi là “đế chế”, franchise, chuỗi cà phê, v.v… nhưng không phải là khởi nghiệp. Vì yếu tố “disruptive” vẫn còn thiếu và tăng trưởng vẫn chưa đủ cao.

Nhưng nếu bạn tạo ra một mô hình tiệm cà phê hoàn toàn mới chưa đâu có, và có thể nhân rộng ra hàng trăm phiên bản trong vòng vài năm thì đó là khởi nghiệp. Đây là hai ví dụ giả định của khởi nghiệp cà phê:

1. Tạo apps giúp người dùng đặt mua cà phê giao tận nhà/văn phòng. Bạn có thể là nhà cung cấp cà phê, hoặc kết nối các tiệm cà phê ăn huê hồng. Trong thời gian ngắn, apps có thể hoạt động cả quốc gia. Nếu thành công, mô hình và apps này có thể nhân rộng ra toàn thế giới trong vòng vài năm. (Lời bình: Bạn có thể bán cả triệu ly cà phê mỗi ngày, và thay đổi cách vận hành của thị trường cà phê).

2. Tạo một website kết nối những người thích uống cà phê mỗi sáng. Với một nhóm khoảng 100 nghìn người đăng ký mua cà phê một lúc sẽ đem lại giá cả rẻ hơn 40%, tiết kiệm rất nhiều tiền cho người dùng.

ĐỪNG HIỂU LẦM HAI TỪ “CÔNG NGHỆ” KHI KHỞI NGHIỆP

Khi nói đến công nghệ (technology), đa số mọi người đều nghĩ đến IT hay máy móc. Chúng ta nên hiểu rộng ra công nghệ là những sáng tạo hoặc cải cách mới mẻ chưa từng xuất hiện trước đây.

Ngoài IT (Infotech – công nghệ thông tin), khởi nghiệp có thể thuộc các lãnh vực khác như:
– Biotech (công nghệ sinh học)
– Foodtech (công nghệ ẩm thực)
– Fintech (Công nghệ tài chính)
– Teaching Tech (công nghệ giảng dạy), v.v…

Vậy nếu bạn phát minh ra thuốc chữa bệnh mới, cách dạy học mới, món ăn mới và tung ra thị trường thương mại thì đó chính là khởi nghiệp. Vì những sáng tạo mới mẻ này có khả năng thống trị thị trường hiện tại. Ngược lại, một nhà hàng tại Sài Gòn mặc dù được “IT hóa” với website và apps, nhưng bản chất nó vẫn chỉ để phục vụ vài trăm khách mỗi ngày, thị trường bị giới hạn bởi địa lý và kích thước của nhà hàng. Đây không phải là khởi nghiệp!

PHỞ 24 KHÔNG PHẢI LÀ KHỞI NGHIỆP?

Có một đầu bếp người Anh tên Neil Broomfield, đã biến món phở VN thành món bánh pie-phở. Lý do vì ông thích ăn phở, nhưng muốn ăn phở thì phải ra nhà hàng ngồi ăn rất bất tiện. Ông đã chế ra bánh pie nhân phở (đầy đủ thịt, nước và hương vị), dễ vận chuyển, dễ đông lạnh và hâm nóng lên ăn chỉ trong vòng 5 phút. Bạn cũng có thể vừa đi dã ngoại vừa nhâm nhi món pie phở hoặc biến nó thành một món fast food kiểu McDonald. Ông này cho sản xuất hàng loạt số lượng lớn pie phở và xuất khẩu đi khắp nơi. Món pie phở đã được ông Neil đăng ký bằng sáng chế, không công ty nào có quyền bắt chước trừ khi là được licensing trả tiền hoa hồng. Đây chính là khởi nghiệp!

Phở 24 là một doanh nghiệp thành công, nhưng nếu theo định nghĩa của “khởi nghiệp” thì còn thiếu vài yếu tố. Theo bạn, tiềm năng tăng trưởng của Phở 24 hay Pie Phở cao hơn?

TẠI SAO START UP TRỞ THÀNH MỐI QUAN TÂM CỦA CÁC QUỐC GIA?

Chính phủ các quốc gia quan tâm đến khởi nghiệp vì ngoài tiềm năng tăng trưởng và khả năng phá vỡ thị trường của khởi nghiệp. Chính phủ vừa hy vọng gặt hái được lợi ích của khởi nghiệp trong nước vừa lo sợ khởi nghiệp của nước ngoài vào đánh chiếm thị trường trong nước. Nếu bạn không chạy, nghĩa là bạn bị tụt lại đàng sau.

Bằng chứng là Grab Taxi và Uber đang chiếm dần thị trường taxi Việt Nam, trong tương lai họ sẽ thu lợi nhuận khủng và mang tiền về nước của họ. Nếu đổi lại Uber là công ty VN thì VN sẽ có một nguồn ngoại tệ chảy vào thường xuyên.

TẠI SAO CẦN PHẢI PHÂN BIỆT GIỮA KHỞI NGHIỆP VÀ LẬP NGHIỆP?

Hiện nay các quỹ chính phủ và quỹ đầu tư đang góp vốn vào các khởi nghiệp, nếu hiểu sai nghĩa của khởi nghiệp, nhiều người sẽ tốn công sức, tuổi xuân, tiền bạc mà lại đi sai mục đích. Ngoài ra, nếu định nghĩa “khởi nghiệp” khác với thế giới, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn khi gọi vốn cũng như giao tiếp với quốc tế.

Bên cạnh đó, khởi nghiệp và lập nghiệp là 2 doanh nghiệp khác nhau hoàn toàn về: Tư duy, hệ thống, ý tưởng, vận hành, quản trị và tầm nhìn. Phải hiểu rõ khởi nghiệp để chúng ta có kế hoạch và chiến lược chính xác.

KHỞI NGHIỆP VÀ START UP CÓ GIỐNG NHAU?

Hiện nay báo chí và các doanh nhân thường định nghĩa “khởi nghiệp” là “start up”. Vậy chúng ta nên tuân theo khái niệm “start up” của quốc tế với những yếu tố đã kể ở trên. Nếu chúng ta coi một sinh viên mở quán trà chanh chém gió, một người mở tiệm cơm tấm cũng đều là khởi nghiệp, thì chúng ta đã hiểu sai về “start up”.

LỜI KẾT

Khởi nghiệp đang trở thành phong trào, nhưng không nên vì thế mà gọi tất cả doanh nghiệp là “khởi nghiệp”.

Nếu bạn luôn coi tất cả AO HỒ là BIỂN, bạn sẽ không bao giờ đóng tàu mà chỉ chú trọng tập bơi. Một ngày nào đó khi bạn bắt buộc phải vượt BIỂN thật sự thì đó sẽ là một thảm họa.

Khởi nghiệp và startup có giống nhau?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here