Coupang là website TMĐT tăng trưởng nhanh nhất mọi thời đại của Hàn Quốc. Nó giống như một phiên bản của Amazon nhưng có một số điểm nổi trội hơn.
Startup 6 tuổi này thu về 300 triệu USD trong năm 2014 và có khả năng tăng gấp 4 lần trong năm 2015. Tháng 6/2015, công ty gọi thành công 1 tỷ USD trong vòng gây quỹ do hãng viễn thông Nhật Bản SoftBank dẫn đầu.
Chỉ trong vòng 2 năm, Coupang đã xây dựng được mạng lưới chuyển phát xe tải tùy biến, các nhà kho do thuật toán điều khiển và 3.600 “Coupangmen” – đội quân giao hàng và chat với khách hàng.
Coupang đi đầu về việc giao trong 1 ngày hoặc chưa đến 1 ngày mà không mất thêm khoản phí nào. Khách hàng hoàn toàn có thể hủy đơn hàng dù nó đang trên đường chuyển phát hay thay đổi điểm nhận hàng vào phút cuối. Các điểm này đều hơn hẳn dịch vụ của Amazon.
Bom Kim chính là CEO của startup thương mại điện tử đình đám này tại Hàn Quốc.
Ông sinh tại Seoul nhưng rời Hàn Quốc năm 7 tuổi cùng cha, người làm việc cho Huyndai. 13 tuổi, ông theo học tại Massachusetts (Mỹ) và nhờ điểm số tốt được nhận vào đại học Harvard. Kim theo học tại trường kinh tế Harvard năm 2010 nhưng chỉ học 1 năm.
Ông dành thời gian mùa hè tại quê nhà và thi thoảng học tại Đại học quốc gia Seoul. Khi ấy, mô hình Groupon vô cùng “hot” và rất dễ để gây quỹ. Kim đã chuyển về sống tại Seoul để tạo ra “bản nhái thứ 30” của Groupon.
Để dễ gọi vốn từ các nhà đầu tư Mỹ, Kim đăng ký dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn tại Mỹ. Ông dành tới gần 1 triệu USD cho quảng cáo và trở thành nhà quảng cáo lớn nhất của Facebook tại Hàn Quốc. Có lúc, mỗi người Hàn dùng Facebook chứng kiến tới 72 quảng cáo Coupang mỗi tháng.
Hè năm 2013, ông đã chuyển hướng Coupang sang mô hình chợ điện tử như eBay. Thời điểm đó, Coupang vẫn phụ thuộc vào bên thứ ba để đóng gói và vận chuyển sản phẩm.
2 năm sau, Coupang lại thay đổi. Công ty đã gọi được 400 triệu USD từ một số nhà đầu tư như Sequoia và BlackRock để tăng cường hàng tồn kho với mục tiêu giao các hàng hóa nhu yếu phẩm như bỉm, nước đóng chai, gạo cho khách hàng nhanh và rẻ nhất có thể.
Với số tiền lớn từ SoftBank, Coupang đã chi 1,3 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng logistics, gồm 21 nhà kho, nhiều xe tải và Coupangmen. Khoản tiền đó sẽ phát huy tác dụng một khi khách hàng quen với tốc độ chuyển phát nhanh dần theo thời gian, theo chủ trương của ông Kim: “Chúng ta không thể “bẻ” khách hàng theo cái chúng ta muốn, nhưng chúng ta có thể tự bẻ bản thân để chiều theo cái khách hàng muốn”.
Kim luôn khuyến khích nhân viên tìm hiểu đối thủ khác: “Bất kể việc gì phải làm để thắng trận, họ đã làm, và bất kỳ điều gì có thể làm để chiếm trái tim khách hàng, chúng ta sẽ làm”.
Phía trước là con đường dài, Coupang còn nhiều lĩnh vực có thể phát triển và dấn sâu thêm, nhưng với 1 startup, nó đã thành công khi được khách hàng ủng hộ và sử dụng.
Bom Kim, CEO của Coupang, sở hữu khoảng 19% cổ phần trị giá 950 triệu USD và sẽ sớm trở thành tỷ phú, một kì công hiếm hoi đối với một đất nước mà phần lớn tài sản tập trung trong tay những tập đoàn gia đình chaebol.