Ứng dụng di động thực phẩm có thể là điều thuận tiện nhất khi đang đói, trong khi ăn uống từ lâu đã trở thành thú vui của con người từ hàng nghìn năm qua.
Ở khu vực nổi tiếng với các hàng quán như Đông Nam Á, ứng dụng di động thực phẩm mọc lên nhanh chóng cùng trào lưu startup. Nhiều nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng ăn nhanh… đều có dịch vụ ứng dụng, cho phép người dùng đặt hàng, mua sắm và nhiều tiện ích khác.
Trong khi một số sống sót và phát triển, thì nhiều startup đã bị đẩy ra khỏi thị trường với 6 lý do dưới đây.
1. Kinh doanh không như mơ
Khi bước vào thương trường, nhiều startup tưởng dễ thành công, “ngon ăn” nhưng lại thấy khó khăn, “thương trường là chiến trường”.
Việc phải cạnh tranh với quá nhiều đối thủ là một trong những thách thức lớn nhất. Nhiều startup không lường trước việc cạnh tranh với các startup trẻ trung hơn, tìm kiếm khách hàng hiệu quả hơn mặc dù sản phẩm của họ không có gì xuất sắc hơn… Và nếu không vững, không có sự đột phá hay kế hoạch kinh doanh vững vàng, startup rất dễ thất bại.
2. Logistic không phải luôn êm ả
Thị trường Logistic được “rỉ tai” nhau rất nhiều tiềm năng và có cơ hội phát triển, tuy nhiên sự thật không phải như vậy.
Nhiều startup khi hoạt động trong lĩnh vực này đã phải đối mặt với rất nhiều ý kiến tiêu cực: Có người khiếu nại giao hàng quá chậm, không đầy đủ, đồ ăn bị nguội, không giữ được tươi ngon như ban đầu, sản phẩm hư hỏng hay giao hàng nhầm, giá cả cắt cổ kể từ khi đặt ra khoản phí giao hàng tối thiểu cho mỗi giao dịch…
Harshdeep Rapal – đồng sáng lập EazyMeals, 1 startup về lĩnh vực này thừa nhận có đơn hàng không khó, song việc quản lý quá trình chuẩn bị và giao hàng lại không đơn giản.
Startup này bắt đầu từ một trong những khu vực sầm uất nhất, nên ngay từ đầu đã có nhiều người đặt hàng. Nhưng dù là 50 hay 500 đơn hàng, bạn đều phải chuẩn bị trong thời gian không quá 2-2,5 giờ. Nếu các công ty vận chuyển thương mại thường có 2-3 ngày để đóng gói và giao hàng thì thực phẩm phải đến trước mặt khách trong 30-40 phút.
3. Thực phẩm không mang lại nhiều lợi nhuận như tưởng tượng
Manish Jethani – cựu CEO của Spoonjoy – cho biết: Một trong những lý do họ không thể tồn tại là thách thức từ “đơn vị kinh tế” (unit economics, những chỉ số trên 1 đơn vị nào đó, chẳng hạn customer acquisition cost – CAC – chi phí để có thêm một khách hàng) của ngành công nghiệp thực phẩm.
Đơn vị kinh tế được đo lường bằng khả năng sinh lời của một đơn vị sản phẩm/dịch vụ trong tổng thể. Ví dụ chi phí sản xuất và cung ứng thêm bữa ăn so với tổng lượng hóa đơn cần thực hiện cho khách hàng. Nếu lợi nhuận tốt, thì kinh doanh có thể bền vững. Nếu không thì cần xoay ra kinh doanh cái khác. Những chỉ số đơn vị kinh tế trong ngành thực phẩm còn lắm thách thức hơn vận chuyển (chẳng hạn Uber).
4. “Công nghệ” hơn “ăn”
Nhiều startup khi bước vào lĩnh vực công nghệ thực phẩm thường chỉ chú ý đến yếu tố công nghệ mà lại quên khẩu vị, thói quen ăn uống và hương vị, chất lượng thực phẩm quan trọng hơn là tác động đến sự trung thành của khách hàng.
Bạn có thể đầu tư xây dựng ứng dụng tuyệt vời hoặc trang web hấp dẫn trong vài tuần, vài tháng nhưng chất lượng và hương vị lại nằm trong tay đầu bếp làm trong khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều, khoảng 10 phút chế biến cho 1 món ăn. 10 phút đó cần được quan tâm hơn hàng tháng trời kia.
Bởi lẽ nếu hương vị tuyệt vời, khách hàng không quan tâm bạn có ứng dụng hay trang web hay không, họ vẫn sẽ tìm đến bạn.
5. Marketing không đủ
Vấn đề thị trường cũng là yếu tố quyết định thành công của ứng dụng thực phẩm, bất kể sản phẩm gì và bao nhiêu. Ứng dụng Grofers đã phải đóng cửa tại 9 thành phố ở Ấn Độ trong năm 2015 do thị trường ở đó hấp thu kém. Zomato cũng đóng cửa tại 4 thành phố với lý do không có sự gia tăng đáng kể lượng đơn đặt hàng dù đã tiếp thị hết sức.
Tất nhiên không thể chỉ chờ thị trường có nhu cầu mà marketing còn phải tạo ra nhu cầu. Không có chiến lược tiếp thị đủ mạnh sẽ làm cho sản phẩm na ná những người khác, khách hàng không thể phân biệt được và không nhớ đến thì không có nhu cầu dùng đến.
Hầu hết startup ứng dụng di động thường làm khá tốt việc phát triển và quản lý ứng dụng, nhưng lại bỏ lỡ quá trình marketing, việc thất bại là không thể tránh khỏi.
6. Không tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm
Sự độc đáo, khác biệt là điều sống còn cho mỗi sản phẩm khi ra thị trường. Thiếu điều này sẽ khiến bạn bị lu mờ và vùi trong quên lãng.
Dazo là ứng dụng gọi thức ăn và giao hàng đầu tiên tại Ấn Độ. Công ty đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tại Amazon và Google. Thế nhưng, Dazo đã không làm được và phải đóng cửa.
Inc42 đã phân tích về sự sụp đổ ngành giao thực phẩm tại Ấn như sau: “Các startup ngành này tăng trưởng nhanh chóng cũng chỉ ra một thực tế là những công ty tài trợ có xu hướng đốt tiền để có được thật nhiều khách hàng mà không cần tạo ra một sản phẩm khác biệt”.